CapitaLand đặt cược vào Việt Nam giữa làn sóng chuỗi cung ứng rời Trung Quốc
CapitaLand Investment, công ty quản lý bất động sản niêm yết tại Singapore, đang lên kế hoạch đầu tư lên đến 110 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng hoặc mua lại các nhà máy công nghiệp. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất khi chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc.
Được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings, CapitaLand dự kiến sẽ thêm vào danh mục đầu tư của mình lượng tài sản trị giá từ 100-150 triệu SGD (tương đương 73-110 triệu USD) tại Việt Nam trong 2 năm tới, theo bà Patricia Goh, Giám đốc điều hành đầu tư khu vực Đông Nam Á của CapitaLand.
Ngoài Việt Nam, công ty còn có kế hoạch đầu tư tương tự vào Malaysia và Thái Lan, với tham vọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm khi các ngành công nghiệp tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tăng trưởng kinh tế ảm đạm.
“Nếu nghĩ về các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc, thì Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam, và Thái Lan là những điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư”, bà Goh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Bà Patricia Goh, Giám đốc điều hành đầu tư khu vực Đông Nam Á của CapitaLand
|
Bà Goh cũng cho biết các doanh nghiệp dệt may và may mặc Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam làm địa điểm sản xuất, trong khi các nhà sản xuất điện tử từ Hàn Quốc cũng đang xem xét Việt Nam để thiết lập các hoạt động sản xuất.
Dự đoán trước sự di chuyển này, CapitaLand đang tìm kiếm các khu đất tại Việt Nam để xây dựng nhà máy mới hoặc bổ sung cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện có vào danh mục đầu tư của mình. Kế hoạch của công ty là sở hữu các cơ sở này và cho các công ty sản xuất thuê lại.
“Hiện tại ở Việt Nam, chúng tôi chưa sở hữu nguồn đất. Nhưng chúng tôi đang rất tích cực đàm phán với một số chủ sở hữu khu công nghiệp để có thể mua lại và đã xác định được các khu đất mà chúng tôi muốn tạo dấu ấn”, bà Goh cho biết.
CapitaLand Investment cũng đang trong các cuộc đàm phán “cấp cao” với các nhà sản xuất từ Trung Quốc để thiết lập các nhà máy mới tại Việt Nam. Mục tiêu là để đảm bảo lượng khách hàng tiềm năng cho các bất động sản tương lai tại Việt Nam.
Theo công ty, họ đang sở hữu mạng lưới lớn các khách hàng tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, nhờ quản lý 6 khu logistics và 11 khu kinh doanh với hơn 7,000 người thuê và khách hàng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Kế hoạch đầu tư này được đưa ra khi CapitaLand đối mặt với những thách thức tại Trung Quốc. Năm ngoái, lãi ròng của công ty đã giảm 79% xuống còn 181 triệu SGD, chủ yếu do ghi giảm giá trị tài sản tại Trung Quốc do tiền thuê suy giảm.
Tính đến cuối tháng 3/2024, CapitaLand Investment quản lý lượng tài sản trị giá 134 tỷ SGD, trong đó Trung Quốc chiếm 34% và Đông Nam Á chiếm 41%. Bà Goh cho biết công ty không có kế hoạch về tỷ trọng cụ thể cho từng khu vực của ASEAN, nhưng chú trọng vào việc theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn trong khu vực này.
Phân bổ tài sản của CapitaLand
|
Tại Malaysia, CapitaLand dự kiến rót khoảng 300 triệu SGD trong một đến hai năm tới cho các bất động sản công nghiệp, logistics và chăm sóc sức khỏe. Công ty cũng đang xem xét khả năng tham gia vào một khu kinh tế đặc biệt ở bang Johor mà Chính phủ Malaysia và Singapore đang cùng phát triển. Dù vậy, bà nhấn mạnh CapitaLand vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc thẩm định tính khả thi.
Trong khi đó, công ty có thể đầu tư 350 triệu SGD vào Thái Lan trong 2 năm tới để mua đất và xây dựng các bất động sản logistics như kho bãi, nhấn mạnh rằng các cơ sở này cần được hiện đại hóa.
"Thái Lan đã đi qua làn sóng hoạt động sản xuất”, bà Goh nói. "Hiện tại họ đang ở giai đoạn mà các kho bãi và tất cả những thứ đó sẽ cần được hiện đại hóa”.
Tháng 2, CapitaLand Investment công bố dự án bất động sản logistics đầu tiên tại Thái Lan, OMEGA 1 Bang Na, một cơ sở lưu trữ tự động với tổng diện tích sàn là 229,000 m2 gần Bangkok.
Tuy vậy, vị Giám đốc CapitaLand cũng chỉ ra nhiều thách thức khi thực hiện các kế hoạch đầu tư. Môi trường lãi suất cao kéo dài không có lợi cho các nhà quản lý bất động sản đang tìm cách mở rộng danh mục đầu tư bằng nợ. Đối với CapitaLand, chi phí lãi suất đã tăng lên 574 triệu SGD trong năm tài chính 2023, tăng từ 425 triệu SGD năm trước.
Bộ phận nghiên cứu cổ phiếu của ngân hàng Singapore Oversea-Chinese Banking Corp. nhấn mạnh các chi phí vay tăng cao trong báo cáo tháng 4/2024. “Bất kỳ sự gia tăng đột biến nào trong lãi suất cũng có thể làm tăng chi phí vay của công ty bất động sản”, trích từ báo cáo. Các chuyên gia nghiên cứu cũng đề cập đến “sự suy yếu trong điều kiện kinh tế vĩ mô” là một rủi ro khác đối với CapitaLand.
* Capitaland Tower lỗ gần 2,700 tỷ đồng năm 2023, âm vốn chủ
* CapitaLand bán tháo bất động sản
* CapitaLand thành lập quỹ 600 triệu USD, nhắm vào căn hộ dịch vụ
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|