Thứ Ba, 11/06/2024 14:20

Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ

Dù là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về kinh tế thị trường của Mỹ, thậm chí đáp ứng tốt hơn so với nhiều nền kinh tế được công nhận là kinh tế thị trường.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình phát triển kinh tế thị trường.

Đây là thông tin được TS.Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ với chúng tôi.

Phóng viên: - Thưa ông, phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vừa qua có ý nghĩa như thế nào với chúng ta?

TS.Nguyễn Đức Kiên: - Đây là tín hiệu tích cực trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và cũng cho thấy những cải cách của Việt Nam. Một trong những nội dung đáng quan tâm nhất là Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc 2 bên tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của nhau như nội dung trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây.

Điểm tích cực có thể nhận thấy là những cải cách thể chế của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia định ra luật chơi kinh tế thị trường, phải chú ý và đưa ra trao đổi, bàn thảo. Nếu như trước đây, con đường chúng ta đi được mặc định là xa rời kinh tế thị trường, thì nay họ đặt vấn đề có thể con đường chúng ta đi có thể khác, nhưng đích đến vẫn là kinh tế thị trường.

Theo tôi, đó là một bước tiến trong nhận thức và trong quan hệ giữa 2 nước. Đứng ở góc độ người làm công tác nghiên cứu kinh tế, tôi cho rằng phiên điều trần còn phát đi tín hiệu tốt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

TS.Nguyễn Đức Kiên

- Dự kiến quyết định chính thức về nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ công bố vào ngày 26-7. Theo ông, lợi ích cả 2 nước có được là gì khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường?

-Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 quốc gia, tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) và người dân 2 nước.

Đứng về phương diện của nền kinh tế, lợi ích của việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ mở rộng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Các DN Hoa Kỳ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

- Đến nay đã có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc Việt Nam đã thực sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kinh tế thị trường?

- Nên lưu ý rằng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, bản thân các nước tư bản đi trước cũng có rất nhiều mô hình khác nhau. Các quốc gia, các nền kinh tế quy định khác nhau về các tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không.

Các nước có thể chọn mô hình kinh tế thị trường khác nhau, nhưng cùng hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân và đạt được tốc độ phát triển kinh tế bền vững. Chẳng hạn, nền kinh tế thị trường của Pháp là mô hình tăng trưởng kiểu cũ; Hoa Kỳ là mô hình tăng trưởng kiểu mới; các nước Bắc Âu chọn phát triển kinh tế thị trường phúc lợi; Đức và Áo đi theo mô hình kinh tế thị trường xã hội.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định chúng ta đã đáp ứng được 6 tiêu chí xác định kinh tế thị trường của Hoa Kỳ. Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn tương thích với cách các nước khác đã lựa chọn và đi trước.

- Vấn đề lớn nhất khiến nhiều ý kiến băn khoăn về nền kinh tế thị trường của Việt Nam khi vẫn còn sự can thiệp của Nhà nước. Ông đánh giá gì về nhận định này?

- Ý kiến này không sai nhưng là phiến diện, không đặt trong bức tranh tổng thể với đặc thù của nền kinh tế. Thí dụ với thị trường xăng dầu, Việt Nam không hạn chế DN đầu mối tham gia vào thị trường này, nhưng quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN phải đáp ứng được yêu cầu về kho bãi, vốn, và quan trọng nhất là phải xử lý được ngoại tệ để nhập khẩu.

Xét toàn diện về thị phần, khả năng bảo đảm cung ứng xăng dầu, đặc biệt là khi nhìn ở những địa bàn không có lợi nhuận như vùng xa, sẽ thấy chỉ có DN Nhà nước là Petrolimex mới đảm đương được nhiệm vụ này. Thông qua các DN này, Nhà nước sẽ thực hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội. Đó là cách giải thích đơn giản và dễ hiểu về mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam.

Lấy một thí dụ khác, năm 2023, để xử lý khủng hoảng ngân hàng, Chính phủ Hoa Kỳ phải cam kết tiền gửi của người dân ở ngân hàng không bị mất. Đó là sự can thiệp của Nhà nước vào DN. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, nếu vừa qua Nhà nước không can thiệp để xử lý các ngân hàng yếu kém thì điều gì sẽ xảy ra đối với DN, người dân và nền kinh tế?

Từ thực tế này, có thể nói, quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tương đối ổn định. Sự ổn định thể hiện ở những ảnh hưởng do tác động của kinh tế thị trường đến xã hội, đến cuộc sống người dân ở mức có thể chấp nhận được và trong phạm vi có thể phòng tránh được, không xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, đẩy người lao động đến tình trạng vô gia cư. Đó là mặt thành công của Việt Nam khi vận hành theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Nếu phải dẫn chứng một yếu tố để thuyết phục bạn bè quốc tế rằng Việt Nam thực sự là một nền kinh tế thị trường, ông sẽ lựa chọn yếu tố nào?

- Đó chính là hệ thống pháp luật của Việt Nam đã ổn định, tiếp cận và tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Một trong những thành công của chúng ta là đã hoàn thiện, đồng bộ được các thể chế, tiếp cận thể chế quốc tế để nền kinh tế vận hành thông suốt.

Một nền kinh tế gọi là kinh tế thị trường khi vận hành theo các quy luật của thị trường, và trong quá trình đó Nhà nước chính là người cầm lái điều khiển thông qua việc tạo lập các quy định, luật chơi, đồng thời trở thành người chơi ở những vị trí nào mà thị trường không thể đáp ứng. Quốc gia, dân tộc nào định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường cũng đều như vậy.

- Xin cảm ơn ông.

Tri Nhân

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   TP HCM cần Luật Đô thị đặc biệt (11/06/2024)

>   UOB: Đà hồi phục kinh tế được duy trì trong nửa cuối năm 2024 (11/06/2024)

>   Việt Nam nằm trong top 6 nước ASEAN có GDP tăng trưởng tốt (10/06/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số (10/06/2024)

>   Chính phủ thay đổi thời gian công bố số liệu CPI, GDP, GRDP (10/06/2024)

>   Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cận trên, kiểm soát lạm phát ở cận dưới (08/06/2024)

>   Quốc hội thông qua điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (08/06/2024)

>   Đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 (08/06/2024)

>   PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ: “Xanh là số 1, chất lượng là số 2 và cuối cùng là giá” (08/06/2024)

>   Đại biểu QH: Nếu Đà Nẵng làm khu thương mại tự do thành công thì cần nhân rộng ngay (07/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật