Thứ Sáu, 07/06/2024 20:45

Đại biểu QH: Nếu Đà Nẵng làm khu thương mại tự do thành công thì cần nhân rộng ngay

Theo đại biểu Quốc hội, khi thực hiện thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng thành công có thể nhân rộng ngay, không phải chờ đợi vì có rất nhiều địa phương có vị trí thuận lợi tương tự.

Góp ý dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng ngày 07/06, các đại biểu Quốc hội nói do đây là mô hình đầu tiên, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên trình triển khai thực hiện chính sách cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm.

Đặc biệt là vấn đề định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn khi triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) ủng hộ cơ chế về thành lập khu thương mại tự do. Đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới và đặc biệt những nước có ưu thế về cảng biển. Khi Đà Nẵng triển khai thành công, chúng ta sẽ nhân rộng cho các địa phương khác.

Ông Ngân kiến nghị cần nhân rộng ngay chứ không phải chờ đợi bởi vì các thành phố, các địa phương hiện nay có đặc điểm tương tự, có rất nhiều cảng kết nối với khu thương mại tự do như cảng ở Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Trà Vinh và TPHCM, rất tương tự và chúng ta cũng có thể áp dụng ngay được.

Các đại biểu khác cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đi trước một bước, nghiên cứu để có các chính sách cụ thể, ưu tiên về thương mại, thuế nhằm hoạt động có hiệu quả, đúng với tính chất và mục đích của Khu thương mại tự do. Song song đó, đảm bảo khả năng kiểm soát khu thương mại tự do, không chỉ về kinh tế mà cả đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Nhiều đại biểu cùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, hiện có 10 địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương còn rất nhiều khó khăn, mỗi địa phương đều có tính đặc thù riêng, nên để tránh tâm lý các địa phương so bì, so sánh trong việc xây dựng chính sách đặc thù,

Ông Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cho chủ trương chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các nghị quyết đặc thù đang được triển khai và thực hiện ở các địa phương hiện nay. Mục đích là để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, luật hóa và nhân rộng áp dụng chung cho cả nước hoặc cho các vùng, các tỉnh có tính chất tương đồng với nhau.

Đồng thời, để  những chính sách mang lại hiệu quả cao được nhân rộng và kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách còn bất cập, tạo thêm động lực, điều kiện và cơ chế để cho các địa phương khác trong cả nước cùng phát triển.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng cho rằng, có những vùng rất cần phải được quan tâm, hỗ trợ như vùng Tây Bắc, nhưng hiện nay chưa thấy có một chương trình nào hỗ trợ những tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, những vùng là phên dậu quốc gia, những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và kinh tế đang phát triển rất khó khăn. “Những tỉnh đặc trưng như thế rất xứng đáng để xem xét cơ chế đặc thù”, ông Huân nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phản hồi lại, về khu thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nói đây là một điều mới đối với Việt Nam nhưng đối với quốc tế không mới. Họ đã thành lập nhiều và lâu, đến 70 năm nay. Bây giờ là một cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư, nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư sẽ về, không thì họ đi nước khác.

Đà Nẵng đề xuất và Chính phủ rất ủng hộ là phải thí điểm. Chúng ta xem xét một mô hình mới cho Đà Nẵng, tức là Đà Nẵng đang tiên phong, đang đi trước, nhưng sau này sẽ chính là một mô hình.

Khi Quốc hội đã cho phép thực hiện thí điểm 5 năm, trong thời gian đó địa phương nào đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập khu thương mại tự do thì Chính phủ xem xét cho phép thành lập, khi thành lập thì được áp dụng các cơ chế này, theo Bộ trưởng.

Về các ý kiến đề nghị tổng kết việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay chúng ta có 10 tỉnh thành có cơ chế, chính sách đặc thù. Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như các đại biểu nêu và bình đẳng giữa các địa phương, Bộ KH-ĐT đang xây dựng 6 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 6 vùng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH-ĐT rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách của 10 địa phương có chính sách đặc thù, chính sách đặc thù của từng địa phương nếu thấy phù hợp thì cho phép được áp dụng và nhân rộng cho các địa phương khác, như thế sẽ không cần phải chờ làm mất cơ hội của các địa phương khác.

Tùng Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chuyển nguồn ngân sách hơn 432 ngàn tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương (07/06/2024)

>   Lãi suất toàn cầu theo xu hướng giảm, chứng khoán có thể vượt 1,300 điểm (07/06/2024)

>   Thị trường ngoại hối được hỗ trợ bởi dòng vốn từ xuất khẩu, FDI và phục hồi kinh tế (07/06/2024)

>   Ông Lê Thành Long được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ (06/06/2024)

>   Thượng tướng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an (06/06/2024)

>   Phó Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam (06/06/2024)

>   Nghiên cứu các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (06/06/2024)

>   Ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (03/06/2024)

>   PMI tháng 5/2024: Sản lượng tăng nhanh hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới duy trì tăng (03/06/2024)

>   Tuần tới, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn 4 vấn đề nóng (02/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật