Nghiên cứu các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư… để chủ động dự báo, phân tích, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn đối với những vấn đề phát sinh; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương trong dự toán đầu năm nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 chưa phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định (trừ trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép). Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới… Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng và xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.
Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm, hạn chế tác động lên lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng); khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Triển khai hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi...
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài...
Tháo gỡ "điểm nghẽn" đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình và giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo (tương tự như Đề án 06), bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, khắc phục, tháo gỡ các "điểm nghẽn" đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, phát huy hiệu quả hoạt động của 26 Tổ công tác do Thành viên Chính phủ làm Tổ trưởng theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 và 05 Tổ công tác theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2024.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18 tháng 5 năm 2024.
Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
Tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4.03% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52.8% dự toán năm, tăng 14.8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 9.1% so với tháng trước, tính chung 5 tháng tăng 16,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 8.01 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá, tổng vốn đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký mới tăng 50.8%, vốn thực hiện đạt 8.25 tỷ USD, tăng 7.8% (cao nhất so với cùng kỳ trong 05 năm qua).
Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 3.9% so với tháng trước và tăng 8.9% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10.6%. Sản xuất nông nghiệp ổn định, kim ngạch xuất khẩu cà phê, gạo, rau quả tăng cao so với cùng kỳ, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 8.7% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 1.4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đạt gần 7.6 triệu lượt người, tăng 64.9% so với cùng kỳ. Trong tháng 5, có gần 20 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 10.6% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng, có 98.8 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4.1% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
|
Nhật Quang
FILI
|