Thứ Sáu, 07/06/2024 11:34

Lãi suất toàn cầu theo xu hướng giảm, chứng khoán có thể vượt 1,300 điểm

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” tổ chức chiều 06/06/2024, các chuyên gia có góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán thời gian tới.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” tổ chức chiều 06/06/2024

Chứng khoán có thể vượt 1,300 điểm

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS đã chia sẻ góc nhìn thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm và kinh nghiệm với nhà đầu tư: “Thị trường đang khá tích cực, trong xu thế uptrend (tăng giá). Thị trường năm nay sẽ vượt đỉnh 1,300 điểm, tôi đang suy nghĩ có thể dao động giữa 1,350 – 1,400 điểm hoặc có thể tích cực hơn. Có thể trong tháng 6 này sẽ có những biến đột bất ngờ, đột phá, khi chúng ta đã chứng kiến các chỉ số như Nasdaq, S&P 500 đều vượt đỉnh và đạt những mốc cao, với sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu công nghệ”.

Tiếp theo, trong thời gian qua, thị trường lo lắng nhiều về câu chuyện xung đột địa chính trị, các biến động vĩ mô. Tâm lý lo lắng đó khiến nhà đầu tư quan tâm tới thị trường vĩ mô, tình hình chính trị và câu chuyện riêng của cổ phiếu.

Nhà đầu tư có sự chênh lệch thông tin và trải nghiệm trên thị trường, dẫn tới bị nhiều yếu tố chi phối, đầu tư cảm tính. Theo ông Khánh, nếu bỏ qua những mối lo lắng vu vơ chúng ta sẽ đầu tư ổn định hơn. Tâm lý ổn định, tư duy, phương pháp tiếp cận ổn định thì sẽ đầu tư hiệu quả hơn.

Thứ ba, liên quan tới chọn nhóm ngành nghề và quản lý danh mục. Ông Khánh phân loại doanh nghiệp theo nhiều nhóm khác nhau để xác định cổ phiếu nào tăng tốt hơn các cổ phiếu khác trong một chu kỳ nhất định. Trong đó, có nhóm kết quả kinh doanh nổi trội, bứt phá tại bất kỳ ngành nào, bởi đây sẽ là các doanh nghiệp thu hút ngay sự chú ý trên thị trường và là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất.

“Bên cạnh đó còn có nhóm cổ phiếu tăng trưởng với ngành nghề tăng trưởng và có kết quả kinh doanh nổi trội; hay nhóm có khả năng phục hồi”, ông Khánh cho biết.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS

Nhận định về thị trường từ nay tới cuối năm, các diễn giả trong phiên thảo luận cùng chung quan điểm có nhiều yếu tố thuận lợi ủng hộ xu hướng uptrend.

Ông Nguyễn Bá Huy - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng: “Các yếu tố quan trọng nhất với thị trường chứng khoán là lãi suất ở mức thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi. Đây là môi trường lý tưởng với thị trường chứng khoán và đây sẽ là kênh đi đầu, mang lại hiệu quả nhanh hơn cho nhà đầu tư so với chốt lời bất động sản. Góc nhìn của tôi về thị trường là tích cực”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sang Lộc - Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam, doanh nghiệp tại tất cả các ngành nghề đều có sự hồi phục về tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó, không chỉ nhóm doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng tăng trưởng tích cực.

“Chúng tôi kỳ vọng đà hồi phục lợi nhuận doanh nghiệp sẽ duy trì đến hết năm 2024 và áp lực về tỷ giá sẽ dịu bớt vào quý 3 và đầu quý 4. Theo đó, đây sẽ là giai đoạn rất thuận lợi cho chứng khoán từ nay tới cuối năm”, ông Lộc cho biết.

Kinh tế toàn cầu theo xu hướng lãi suất giảm

Tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng có phần trình bày phân tích về xu hướng nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, vị chuyên gia đưa ra dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại tương đương 2023, tăng trưởng không đồng đều ở nhiều quốc gia, khu vực, có nơi phục hồi tốt có nơi chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản…

Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục giảm đà tăng trưởng (tăng 2.7% từ mức 3% năm 2022) và dự báo có thể tăng khoảng 2.7% năm 2024 và 2.8% năm 2025 (theo UN tháng 5/2024).

Về lạm phát, số liệu thống kê và dự báo của World Bank cho thấy, lạm phát đã giảm từ mức 8.6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến ở mức 3.5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025. Thương mại toàn cầu tăng 0.6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2.5 - 3% năm 2024 và 3.3% năm 2025.

"Xu hướng chung là lãi suất giảm, tiếp tục xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng có 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở một số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025.

Ngoài ra cần lưu ý đến các yếu tố như rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu và biến đổi khí hậu bất thường.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   KBSV: VN-Index có khả năng duy trì đà tăng trong tháng 6 (07/06/2024)

>   Chứng khoán tháng 6: Thận trọng tìm cơ hội (10/06/2024)

>   Góc nhìn 07/06: Biến động mạnh? (06/06/2024)

>   Góc nhìn 06/06: Xuất hiện thêm các phiên điều chỉnh? (05/06/2024)

>   VinaCapital: Phục hồi xuất khẩu thúc đẩy cổ phiếu ngành logistics và khu công nghiệp (04/06/2024)

>   Thủy điện chính thức “thoát” pha El Nino trong quý 2? (04/06/2024)

>   Góc nhìn 04/06: Tiếp tục đi ngang trong biên độ 1,250 -1,280 điểm? (03/06/2024)

>   “Làm IR, đừng quá sa lầy vào giải thích vấn đề vĩ mô” (07/06/2024)

>   Góc nhìn tuần 03 - 07/06: Nếu lực mua đủ mạnh, VN-Index sẽ hướng tới 1,282 điểm (02/06/2024)

>   Cổ phiếu POW, KBC và VHC còn hấp dẫn? (03/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật