Thứ Hai, 10/06/2024 09:02

Chứng khoán tháng 6: Thận trọng tìm cơ hội

Tính đến ngày 31/05, VN-Index đạt 1,261.72 điểm, tăng hơn 4% so với đầu tháng và tăng hơn 8% so với đầu năm. Nhận định về diễn biến tháng 6, các chuyên gia tỏ ra thận trọng trước nhiều biến số, nhưng cho biết không thiếu cơ hội đầu tư.

Xu hướng chung vẫn tích cực

Nhận định dưới góc độ kỹ thuật, ông Võ Kim Phụng - Trưởng Phòng phân tích CTCP Chứng khoán BETA cho rằng, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tích cực cả trong ngắn và trung hạn, thể hiện qua đường chỉ số nằm trên các đường trung bình quan trọng. Tuy nhiên, sức mạnh có phần suy giảm khi gặp vùng kháng cự mạnh 1,280 - 1,300 điểm, tương ứng với vùng đỉnh cũ của năm 2024 (thiết lập vào tháng 3), thể hiện qua các chỉ báo sức mạnh xu hướng đang duy trì tín hiệu suy yếu.

“Việc chốt lời, hạ tỷ trọng cổ phiếu hay hạ tỷ lệ đòn bẩy tại vùng đỉnh cũ của một bộ phận nhà đầu tư cũng là điều bình thường, dẫn đến lực bán gia tăng khiến thị trường xảy ra những nhịp rung lắc, điều chỉnh”, ông Phụng cho biết.

Các chỉ báo sức mạnh xu hướng đang duy trì tín hiệu suy yếu khi VN-Index gặp vùng kháng cự mạnh 1,280 - 1,300 điểm

Đứng trên góc nhìn khác, nhưng quan điểm chung tương tự, bà Lê Nhi - Trưởng phòng môi giới, Hội sở chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng, TTCK Việt Nam trong tháng 5 có nhiều diễn biến tích cực, mang đến bất ngờ sau sự ảm đạm của tháng 4.

Theo bà Nhi, diễn biến của VN-Index được nhiều thông tin vĩ mô tốt hỗ trợ như kim ngạch xuất khẩu 32.8 tỷ USD và nhập khẩu 33.9 tỷ USD, tăng 15.8% và 29.9%; hay số liệu bán lẻ tăng trưởng hơn 9% so với cùng kỳ, phần nào cho thấy các chính sách tiền tệ hỗ trợ kịp thời như giảm lãi suất đã bắt đầu ngấm dần vào nền kinh tế. Do đó. TTCK tăng trở lại là hợp lý.

Thận trọng trong tháng 6…

Bước sang tháng 6, ông Phụng dự đoán nhiều khả năng thị trường cần tích lũy trước khi có những động lực để bứt phá, bên cạnh các rủi ro ngắn hạn hạ nhiệt và cần phải có sự đồng thuận của các dòng tiền lớn, trong đó có khối ngoại.

Theo ông Phụng, vùng 1,250 - 1,260 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho xu hướng ngắn hạn. VN-Index nhiều khả năng tích lũy trong vùng 1,250 - 1,300 điểm trước khi bứt phá lên vùng 1,300 - 1,400 điểm, khả năng tăng mạnh hay giảm sâu trong bối cảnh hiện tại là khá thấp.

Ông cũng đưa ra những rủi ro ngắn hạn nhà đầu tư cần theo dõi kỹ trong thời gian tới.

Thứ nhất, khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng mạnh, có thể dẫn đến những phiên điều chỉnh mạnh bất ngờ, trước khi dòng vốn nội được bổ sung để cân bằng tại vùng giá hấp dẫn.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất tiếp tục nhích tăng có thể khiến dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Thứ ba, áp lực tỷ giá khi Fed tiếp tục trì hoãn việc giảm lãi suất (đã có những thay đổi dự báo về thời điểm cắt giảm lãi suất sang quý 4/2024, thậm chí không giảm lãi suất trong năm 2024), bên cạnh nhập siêu do nhập khẩu tăng trở lại nhằm phục vụ sản xuất trong nước.

Thứ tư, áp lực lạm phát quay trở lại và có dấu hiệu gia tăng.

Quan điểm theo chiều hướng thận trọng cũng được bà Nhi nêu ra. Theo bà, tháng 6 là tháng cuối quý 2 - giai đoạn các doanh nghiệp tăng tốc trong kinh doanh, đồng thời cũng là giai đoạn thị trường hướng sự chú ý tới nhiều số liệu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP quý 2, lợi nhuận quý 2 của các nhóm ngành trọng điểm, những quyết định mới trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sau nhiều biến động của tỷ giá.

…Không thiếu cơ hội đầu tư

Với nhận định dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển và phân hóa, ưu tiên cho những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay, ông Phụng khuyến khích nhà đầu tư nên tập trung vào triển vọng của từng nhóm ngành, cổ phiếu thay vì chỉ số chung, dẫn đến dễ bị những biến động ngắn hạn của thị trường ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư và giao dịch.

Trưởng Phòng phân tích BETA đưa ra một số ngành dự kiến duy trì tốt việc thu hút dòng tiền, nhờ tiềm năng tăng trưởng cả trong ngắn và trung dài hạn, như: công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí… hay những ngành ảnh hưởng tích cực bởi câu chuyện tỷ giá và hồi phục như xuất khẩu, cảng biển - logistics, dịch vụ hàng không, bán lẻ…

Tuy nhiên, với mặt bằng giá hiện tại, đối với việc mua mới, nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua tích lũy trong những giai đoạn rung lắc, điều chỉnh hoặc đã có giai đoạn tích lũy chặt chẽ, ưu tiên những cổ phiếu còn tiềm năng tăng giá tốt với định giá hấp dẫn. Nhà đầu tư cũng nên cân nhắc phân bổ tỷ trọng hợp lý, có thể chốt lời từng phần khi giá đạt mục tiêu.

Cùng quan điểm, bà Nhi cho biết, các nhóm ngành, doanh nghiệp sẽ có nhiều kỳ vọng khác nhau, dẫn tới sự phân hóa, nên cần có sự chọn lọc kỹ càng.

Với những nhà đầu tư ngắn hạn, có thể nắm giữ các cổ phiếu đang nằm trong top tăng trưởng mạnh ở các ngành, đi kèm việc linh hoạt dòng tiền để tối ưu hiệu suất đầu tư. Trưởng phòng môi giới MAS cũng bày tỏ quan điểm rằng, margin là công cụ chưa nên sử dụng nhiều ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, những nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các nhịp đi ngang của thị trường để xây dựng danh mục phù hợp với triển vọng của các nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong cuối năm; đón đầu các nhóm ngành đã bước qua vùng đáy lợi nhuận như bất động sản, bán lẻ, ngân hàng...

Năm 2024 sẽ là năm kinh tế Việt Nam hồi phục tốt, kéo theo nhiều nhóm ngành quan trọng về sản xuất, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và một số nhóm ngành về xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi tốt trong giai đoạn tháng 6 hay nhìn rộng hơn là nửa cuối năm 2024.

Nhóm chứng khoán luôn đi đầu với đà tăng trưởng của thị trường, đi kèm với sự quyết tâm về nâng hạng cùng hệ thống KRX sớm đi vào hoạt động. Lợi nhuận sau thuế của nhóm chứng khoán trong quý 1 tăng 129% là tiền đề tốt cho một năm bùng nổ. Dù định giá không quá rẻ, nhưng so với tiềm năng tăng trưởng của năm 2024 thì nhiều cổ phiếu đầu ngành vẫn còn nhiều dư địa qua các đợt chủ động tăng vốn vừa qua.

Định giá nhóm chứng khoán không quá rẻ, nhưng nhiều cổ phiếu đầu ngành vẫn còn dư địa tăng

Nhóm bất động sản có thể đã tạo đáy lợi nhuận trong quý 1, đồng thời thị trường bất động sản đã và đang ấm lên rõ rệt với doanh số bán hàng và hoạt động bàn giao đang trở lại, nhờ tận dụng môi trường lãi suất thấp đi kèm với sự chờ đợi Luật đất đai 2024 có hiệu lực vào tháng 8. Các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất tốt, năng lực triển khai và pháp lý minh bạch sẽ hưởng lợi. Khá nhiều cổ phiếu bất động sản đang có mức định giá hấp dẫn so với trung bình ngành.

Khá nhiều cổ phiếu BĐS đang có mức định giá hấp dẫn so với trung bình ngành

Ngành thủy sản cũng đáng để chờ đợi khi Mỹ có thể sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, giúp gỡ vướng các vấn đề về thuế chống phá giá và trợ cấp. Bên cạnh đó, các đơn hàng xuất khẩu cá tra trong tháng 4 đã bắt đầu tăng trở lại.

Ngành thủy sản cũng đáng để chờ đợi với nhiều yếu tố hỗ trợ

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 07/06: Biến động mạnh? (06/06/2024)

>   Góc nhìn 06/06: Xuất hiện thêm các phiên điều chỉnh? (05/06/2024)

>   VinaCapital: Phục hồi xuất khẩu thúc đẩy cổ phiếu ngành logistics và khu công nghiệp (04/06/2024)

>   Thủy điện chính thức “thoát” pha El Nino trong quý 2? (04/06/2024)

>   Góc nhìn 04/06: Tiếp tục đi ngang trong biên độ 1,250 -1,280 điểm? (03/06/2024)

>   “Làm IR, đừng quá sa lầy vào giải thích vấn đề vĩ mô” (07/06/2024)

>   Góc nhìn tuần 03 - 07/06: Nếu lực mua đủ mạnh, VN-Index sẽ hướng tới 1,282 điểm (02/06/2024)

>   Cổ phiếu POW, KBC và VHC còn hấp dẫn? (03/06/2024)

>   Chuyên gia MSVN: NHNN có thể tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nhưng không tác động lớn đến TTCK (31/05/2024)

>   Góc nhìn 31/05: Thận trọng và quan sát? (30/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật