Thứ Ba, 11/06/2024 20:02

Tránh bẫy lừa "học hè" trên mạng

Phụ huynh khi đăng ký cho con tham gia các chương trình, khóa học mùa hè cần tìm hiểu kỹ tránh rơi vào bẫy rất tinh vi của các nhóm lừa đảo trên mạng.

Công an TP HCM cho biết hiện nay nhiều đối tượng đã mạo danh các công ty truyền thông, công ty tổ chức sự kiện tuyển sinh các khóa học mùa hè. Sau khi tiếp cận phụ huynh, kẻ gian đưa vào nhóm Telegram giao nhiệm vụ mua sản phẩm ảo tăng tương tác cho nhà tài trợ, yêu cầu chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi chiếm đoạt tài sản.

Cẩn thận với các "khóa học"

Mới đây, chị N.T.X. (quê Kon Tum) đã đến công an trình báo việc bị lừa đảo khi đăng ký tham gia chạy marathon trên một fanpage. Các đối tượng yêu cầu chị gửi thông tin cá nhân của con và tải ứng dụng Telegram để liên lạc. Sau đó, chị X. được đưa vào nhóm kín có sẵn các "phụ huynh" khác có con tham gia chạy. Từ đây, chị X. bị dẫn dụ thực hiện nhiệm vụ mua sản phẩm trên sàn thương mại do nhóm này gửi link và chụp màn hình sản phẩm, chuyển khoản số tiền tương ứng. Khi hoàn thành mới cho con chị tham gia giải chạy. Thấy những người trong nhóm tích cực gửi hình ảnh và khoe nhận tiền hoa hồng nên chị X. quyết định thử. Ban đầu, chị mua sản phẩm có giá 299.000 đồng và được "Ban tổ chức" hoàn lại số tiền đã mua kèm theo hoa hồng. Khi chị X. mua sản phẩm ảo và chuyển gần 200 triệu đồng thì các đối tượng nói giao dịch đang bị treo. Đồng thời, "Ban tổ chức" yêu cầu chị chuyển thêm 50 triệu đồng để lấy lại số tiền đã mất, chị X. không có tiền để chuyển thì các đối tượng chặn Facebook và cắt liên lạc.

Tránh bẫy lừa 'học hè' trên mạng- Ảnh 1.

Phụ huynh cẩn thận khi thấy quảng cáo các khóa học mùa hè. Ảnh: HẠNH NGUYÊN

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM) cho biết hiện nay nhiều trang mạng mạo danh "Trại hè kỹ năng - Học kỳ nghề nghiệp" để lừa đảo. Liên tục trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương đã xuất hiện việc một số đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội Facebook như "Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND", "Trại hè học kỳ quân đội", "Trại hè hướng nghiệp hàng không"… Các trang này có giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin và giới thiệu có liên kết với cơ quan công an, quân đội, đơn vị hàng không. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị công an, quân đội.

Chị N.N.T. (ngụ TP Hà Nội) đăng ký cho con tham gia khóa học để rèn luyện kỹ năng, tăng trải nghiệm thì được dẫn đến Facebook "Trải nghiệm làm chiến sĩ biên phòng". Các đối tượng đưa chị đến nhóm kín Telegram làm nhiệm vụ thanh toán tiền hàng cho hãng tài trợ chương trình và hưởng hoa hồng 10%. Khi chị đã làm nhiệm vụ, chuyển khoản 600 triệu đồng thì bị chặn liên lạc.

Thủ đoạn cũ, hình thức mới

Từ những vụ việc đã xảy ra, Công an TP HCM cho biết khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram thực hiện các nhiệm vụ đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người dân đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia khóa học, tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng liền chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Thông tin thêm về thủ đoạn lừa đảo mới này, một cán bộ của Học viện Cảnh sát Nhân dân (Bộ Công an) cho biết: "Thời gian gần đây, trên Facebook xuất hiện các fanpage giả mạo lực lượng công an. Đặc biệt, trong khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 2024 số lượng trang giả mạo xuất hiện nhiều bất thường và chạy quảng cáo ồ ạt để tiếp cận người dùng nên người dân phải hết sức cẩn thận".

Trước những chiêu lừa về các "khóa học mùa hè", Công an TP HCM khuyến cáo để tránh bị mất tiền oan, người dân cảnh giác trước các hình thức mạo danh các đơn vị tổ chức trại hè để lừa đảo. Người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung nghi ngờ, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay nhu cầu cho con tham gia những khóa học trong dịp hè là nhu cầu có thật và nhiều phụ huynh đã mất cảnh giác khi thấy quảng cáo trên Facebook. Hiện nay, không phải sản phẩm, chương trình nào quảng cáo trên Facebook đều là uy tín. Các đối tượng lừa đảo sẵn sàng bỏ tiền để chạy quảng cáo trên mạng xã hội để gây chú ý, thu hút các phụ huynh tham gia. Đa số những người bị lừa đều mất cảnh giác khi được hoàn tiền kèm theo số tiền thưởng từ việc làm nhiệm vụ theo yêu cầu. Do nhận được tiền nên phụ huynh không nghi ngờ và cứ thế lao vào chiếc bẫy đã được giăng sẵn. "Khi đăng ký tham gia trại hè cho con cần tìm hiểu cơ sở vật chất, chọn nơi có uy tín, có trụ sở rõ ràng để tránh bị lừa" - luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi nói. 

Không có chuyện "làm ít ăn nhiều"

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM), cho biết thời gian qua rất nhiều phụ huynh bị lừa khi đăng ký tham gia các khóa học cho con từ đó bị dẫn dụ vào các nhóm "Làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật". Nhiều người cứ nghĩ là làm giả mà ăn thật, làm ít ăn nhiều.

Với nhiều chiêu trò kích thích người tham gia với lợi nhuận cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra, khi nạp tiền thấy lợi nhuận chuyển vào tài khoản nhiều, người tham gia tiếp tục nạp tiền lớn hơn nhưng không rút được. Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải rất cẩn thận với những lời chào mời tham gia làm nhiệm vụ online để kiếm tiền trên mạng.

Phạm Dũng

Người lao động

Các tin tức khác

>   Hàn Quốc: 70% sàn giao dịch tiền điện tử không trả lại tiền cho khách hàng (09/06/2024)

>   Miễn giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn trong trường hợp nào? (04/06/2024)

>   Vietlott lại tìm ra vé số trúng độc đắc tiền tỷ (31/05/2024)

>   3 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng nhiều nhất (30/05/2024)

>   Người đàn ông mất hơn 2,2 tỷ đồng sau cuộc gọi của kẻ xưng công an (28/05/2024)

>   Một công nhân ở Hải Phòng trúng độc đắc Vietlott gần 70 tỷ đồng (25/05/2024)

>   Hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng đến xã hội không tiền mặt (22/05/2024)

>   Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán (20/05/2024)

>   Giá vàng liên tục phá đỉnh, ‘ngồi trên đống lửa’ vì vay vàng mua nhà (20/05/2024)

>   Quán quân Investment Challenge 2024 thuộc về Trường đại học Ngân hàng TP.HCM (18/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật