Giá vàng liên tục phá đỉnh, ‘ngồi trên đống lửa’ vì vay vàng mua nhà
"Vay 10 cây vàng nhẫn giá 52 triệu đồng/cây để mua nhà vào cuối năm 2020, tôi phát sốt vì giờ giá vàng lên tới 77 triệu đồng/cây, tăng gần 50% sau hơn 3 năm" - anh Hải Duy ở Hà Nam chia sẻ.
Mấy tháng gần đây, việc đầu tiên khi tôi thức dậy là lấy chiếc điện thoại xem giá vàng. Mỗi khi thấy giá tăng, tôi lại thêm lo âu thấp thỏm.
Cuối năm 2020, vợ chồng tôi mua một căn nhà 30m2 ở Long Biên (Hà Nội) giá 2,2 tỷ đồng. Thời điểm đó vợ chồng tôi chỉ có sẵn 1,2 tỷ đồng tiền tiết kiệm, số còn lại phải đi vay.
Vì cần khoản tiền khá lớn nên vợ chồng tôi ưu tiên vay người thân để không mất lãi, giảm bớt áp lực tài chính, phần còn thiếu sẽ vay ngân hàng.
Người thân của vợ chồng tôi đều ở quê, mọi người thường ít gửi tiết kiệm mà cứ có chút tiền dư dả sẽ mua vàng nhẫn để tích lũy. Do vậy, nếu muốn vay, chúng tôi chỉ có thể vay vàng.
Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định vay của những người thân là bố mẹ, cô, chú, dì tổng 10 cây vàng nhẫn, giá khi đó khoảng 52 triệu đồng/cây. Phần tiền còn thiếu 500 triệu thì vay ngân hàng, lãi suất ưu đãi 2 năm đầu là 8,3%, từ năm thứ 3 tính theo lãi suất thả nổi.
Lúc ấy, vợ chồng tôi cứ nghĩ vay vàng sẽ có lợi hơn ngân hàng vì không phải trả lãi, việc trả nợ cũng chủ động hơn, không bị ràng buộc bởi những quy định pháp lý, không bị phạt trả trước, trả chậm... Nhưng điều chúng tôi không lường trước được là giá vàng từ đó tăng theo từng năm.
Nhiều người chọn vay vàng khi cần vay mượn mua nhà. Ảnh minh họa/Minh Hiền
|
Đến nay, giá vàng đã cao ngất ngưởng, lên tới 77 triệu đồng/cây. Tính ra, vợ chồng tôi phải trả thêm 250 triệu đồng so với giá vàng vay ban đầu. Trong khi đó, khoản vay ngân hàng 500 triệu sau hơn 3 năm mới phải trả lãi khoảng 150 triệu đồng.
Như vậy, dù vay vàng không phải trả lãi nhưng so với lãi suất ngân hàng, con số chúng tôi phải bù do vàng tăng giá còn cao hơn. Nếu giá vàng tiếp tục tăng, khoản nợ vay vàng phải trả của chúng tôi càng tăng, áp lực trả nợ đè nặng.
Việc chủ động trả nợ dù không bị ràng buộc các yếu tố pháp lý như vay ngân hàng song cũng bị chi phối bởi những chuyện khác. Như đợt vừa rồi, dì tôi đi viện, dù dì ngại không đòi nhưng vợ chồng tôi cũng chủ động xoay xở để trả nợ dì 2 cây vàng trong thời điểm giá vàng lập đỉnh cao hơn 77 triệu đồng/cây.
Giờ chúng tôi mới nhận thấy mình liều lĩnh khi vay vàng mua nhà. Mỗi lần đọc tin tức thấy giá vàng lại tăng, vợ chồng tôi lại thót tim, như ngồi trên đống lửa. Sợ nhất là những người cho vay cần dùng tiền ngay lúc này, chúng tôi sẽ không biết xoay đâu ra tiền để mua vàng trả nợ.
Nhưng tôi cũng thấy rằng, gia đình mình may mắn khi liều vay mượn gần nửa số tiền để mua nhà thời điểm đó, chứ không chờ đợi tích lũy thêm tiền mới mua. Bởi sau 3 năm, hiện căn nhà của chúng tôi cũng đã tăng giá khoảng 400 triệu. Chưa kể những lợi ích tinh thần mà căn nhà mang lại như có chỗ ở rộng rãi, con cái học đúng tuyến nên không phải lo chạy trường, chạy lớp, đưa đón tiện lợi.
Tôi biết nhiều người cũng giống vợ chồng tôi, từ quê ra thành phố học hành rồi làm việc, luôn nỗ lực và tìm mọi cách để sớm mua được nhà Hà Nội. Khi cần vay mượn mua nhà, có người cho vay không mất lãi, dù là vay vàng thì cũng đã vô cùng quý giá và biết ơn, nên đa số chỉ nghĩ đến “nợ tình cảm”, không phải trả lãi, bớt đi áp lực tài chính đã là mừng mà quên đi việc tính toán, lường trước những biến động của giá vàng.
Từ câu chuyện của mình, tôi thấy rằng, mọi người đang có ý định vay mượn mua nhà Hà Nội cần có sự đánh giá, tính toán kỹ lưỡng về các khoản vay, đặc biệt khi có ý định vay vàng người thân, để tránh rơi vào cảnh thấp thỏm, lo âu khi giá vàng tăng phi mã.
Hải Duy ((Hà Nam)
VietNamNet
|