Thứ Tư, 12/06/2024 13:02

Nỗi lo nhập siêu trở lại

Để xác định rõ hơn xu hướng nhập siêu trở lại chỉ mang tính nhất thời hay không, cần phải quan sát thêm diễn biến của những tháng kế tiếp. Cần lưu ý rằng trong khi nhập khẩu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, hoạt động xuất khẩu lại đang đối mặt với những thách thức mới.

Nhất thời hay khởi đầu cho xu hướng?

Sau khi ghi nhận xuất siêu kỷ lục 9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chứng kiến nhập siêu trở lại 1 tỷ USD trong tháng 5 vừa qua, kết thúc chuỗi xuất siêu 23 tháng liên tục. Dù điều này gần như đã được dự báo trước đó khi xét đến tính chu kỳ của hoạt động thương mại hàng hóa, nhưng sự đảo chiều trong cán cân thương mại vẫn gây ra không ít lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá vẫn đang chịu áp lực.

Theo giới phân tích, để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong giai đoạn nửa cuối năm, thời điểm quý 2, mà cụ thể là tháng 5, thường chứng kiến các hoạt động nhập khẩu cao hơn nhiều so với các tháng khác. Tính từ năm 2016 đến nay, giai đoạn nền kinh tế duy trì xu hướng xuất siêu qua từng năm, ngoại trừ tháng 5/2023 xuất siêu hơn 2 tỷ USD, các tháng 5 của những năm còn lại đều chứng kiến nhập siêu hàng hóa.

Thật ra hoạt động nhập khẩu đã bắt đầu tăng trưởng mạnh hơn từ đầu tháng 4, khi các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139.89 tỷ USD, chiếm 94%.

Cụ thể xét riêng trong tháng 5 vừa qua, một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ gia công, sản xuất đạt giá trị tăng cao như: Điện thoại và linh kiện tăng 55%; sắt thép tăng 50%; sản phẩm từ sắt thép tăng 42%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39%; xăng dầu tăng gần 35%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày, dép tăng 34%; chất dẻo tăng 31%; vải tăng 30%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 22%;…

Theo Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng mạnh trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, bên cạnh nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết. Còn theo Golman Sachs, nếu điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ, ước tính cán cân thương mại trong tháng 5/2024 thặng dư 1 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 1.6 tỷ USD trong tháng 4, nên chưa cần phải lo ngại.

Dù vậy, để xác định rõ hơn xu hướng nhập siêu trở lại chỉ mang tính nhất thời hay không, cần phải quan sát thêm diễn biến của những tháng kế tiếp. Cần lưu ý rằng trong khi nhập khẩu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, hoạt động xuất khẩu lại đang đối mặt với những thách thức mới, do đó tất yếu cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thương mại trong giai đoạn tới.

Nỗi lo cho tăng trưởng và tỷ giá

Đầu tiên là tình trạng cước phí vận tải đường biển đã bật tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây, khi các doanh nghiệp vận tải phải tránh đường vận chuyển ngang qua Biển Đỏ vì các cuộc tấn công vào tàu hàng của lực lượng Houthi. Với lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước châu Âu chiếm tỷ trọng không phải nhỏ, tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lên các hoạt động xuất khẩu hàng vào châu Âu. Số liệu 5 tháng đầu năm nay cho thấy Việt Nam xuất siêu sang EU là 14.3 tỷ USD, chỉ sau Hoa Kỳ.

Thứ hai, với nhập khẩu trong năm 2023 khá chậm cũng có thể kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu trong năm nay, khi mà các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng không nhỏ là để phục vụ gia công lắp ráp, chế tạo chế biến hàng hóa xuất khẩu. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 9% so với năm 2022. 

Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị cạnh tranh quyết liệt hơn từ các nước khác. Tiền đồng dù đã mất giá khá mạnh so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay, nhưng đồng tiền của nhiều quốc gia khác trong khu vực thậm chí còn mất giá mạnh hơn, do đó cũng phần nào ảnh hưởng lên lợi thế cạnh tranh của hàng Việt. Trong khi đó, lạm phát neo cao tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiếp tục ảnh hưởng lên cầu tiêu dùng của người dân các nước này.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, sẽ kéo theo các hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị vật tư, phương tiện, công cụ lao động từ nước ngoài nhiều hơn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu cho thấy dòng vốn FDI giải ngân 5 tháng qua ước đạt 8.25 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ giá lên cao hơn cũng kéo theo chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa nhập khẩu tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn và tác động lên lạm phát. Đáng lưu ý là với dự trữ ngoại hối hiện nay cũng không phải quá dồi dào như giai đoạn trước, do từ năm 2022 đến nay đã phải nhiều lần bán ngoại tệ can thiệp để ổn tỷ giá, tình trạng nhập siêu nếu quay lại cũng có thể góp phần làm hao tổn nguồn lực dự trữ.

Trước tình hình này, có lý do để lo lắng. Vì nếu cán cân thương mại hàng hóa thiết lập xu hướng thâm hụt trở lại, tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục chịu áp lực là điều khó tránh khỏi. Tỷ giá lên cao hơn cũng kéo theo chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa nhập khẩu tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn và tác động lên lạm phát. Đáng lưu ý là với dự trữ ngoại hối hiện nay cũng không phải quá dồi dào như giai đoạn trước, do từ năm 2022 đến nay đã phải nhiều lần bán ngoại tệ can thiệp để ổn tỷ giá, tình trạng nhập siêu nếu quay lại cũng có thể góp phần làm hao tổn nguồn lực dự trữ.

Cũng cần nhắc lại rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây một phần đến từ động lực thương mại, khi cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước suy yếu. Như trong năm 2023, trong mức tăng 5.05% của GDP, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp tỷ trọng hơn 32% vào tăng trưởng, chủ yếu là nhờ thương mại hàng hóa. Còn trong quý 1 đầu năm nay, dù có dấu hiệu suy giảm, nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ  vẫn đóng góp hơn 19% vào mức tăng trưởng 5.66%.

Vì vậy, dù các ý kiến cho rằng việc tăng nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước để thúc đẩy xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực trong tương lai, từ đó đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng cho giai đoạn tới vì có độ trễ, nhưng rõ ràng tình trạng nhập siêu nếu kéo dài trước mắt sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng hiện tại là điều khó tránh khỏi.

Trước tình hình này, để ngăn chặn xu hướng nhập siêu có thể quay lại, Việt Nam cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thắt chặt hợp tác với các đối tác chiến lược quan trọng, nâng cao mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn và xác định chính sách tỷ giá linh hoạt đảm bảo cạnh tranh cho hàng Việt Nam.

Còn theo các cơ quản lý, khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, các doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.

Thụy Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ (11/06/2024)

>   TP HCM cần Luật Đô thị đặc biệt (11/06/2024)

>   UOB: Đà hồi phục kinh tế được duy trì trong nửa cuối năm 2024 (11/06/2024)

>   Việt Nam nằm trong top 6 nước ASEAN có GDP tăng trưởng tốt (10/06/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số (10/06/2024)

>   Chính phủ thay đổi thời gian công bố số liệu CPI, GDP, GRDP (10/06/2024)

>   Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cận trên, kiểm soát lạm phát ở cận dưới (08/06/2024)

>   Quốc hội thông qua điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (08/06/2024)

>   Đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 (08/06/2024)

>   PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ: “Xanh là số 1, chất lượng là số 2 và cuối cùng là giá” (08/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật