Thứ Ba, 11/06/2024 08:26

Doanh nghiệp bảo hiểm “bị nhầm” có liên quan bà Trương Mỹ Lan kinh doanh ra sao?

Kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (BHNT FWD Việt Nam) luôn “sống” trong tình trạng kinh doanh thua lỗ với con số lũy kế gần 6,100 tỷ đồng.

Tại vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan điều tra cho biết đã kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam ngay sau đó đã nhanh chóng lên tiếng việc công ty hoạt động hoàn toàn độc lập với doanh nghiệp bảo hiểm được nhắc tên trong vụ án.

Trước thời điểm tháng 03/2022, cả hai doanh nghiệp này là những công ty con cùng một mẹ là Tập đoàn Bảo hiểm FWD. Còn hiện tại, theo những gì hai doanh nghiệp công bố thì chủ sở hữu của Bảo hiểm FWD Việt Nam đã thuộc về nhóm nhà đầu tư khác, tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn chưa ra giấy phép chính thức về sự thay đổi này cho Bảo hiểm FWD Việt Nam.

Ông David Tai Wai Wong đang là Chủ tịch và ông Anantharaman Sridharan - Tổng Giám đốc làm người đại diện theo pháp luật của Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam. Còn chức Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật của Bảo hiểm FWD Việt Nam do bà Phùng Thanh Hương nắm giữ mới đây (ngày 04/06/2024).

Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam

Khác với Bảo hiểm FWD Việt Nam của bà Trương Mỹ Lan, Bảo hiểm nhân thọ FWD (BHNT FWD) Việt Nam luôn “sống” trong tình trạng kinh doanh thua lỗ với con số lũy kế gần 6,100 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023.

Công ty bảo hiểm của bà Trương Mỹ Lan kinh doanh ra sao?

Ngập ngụa trong thua lỗ

Kể từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, suốt 6 năm qua (tính từ 2016-2022), chưa năm nào FWD kinh doanh có lãi dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính luôn mang về khoản lãi “kếch xù” kể từ năm 2019 (hơn 1 ngàn tỷ lãi gộp kinh doanh bảo hiểm và hơn 100 tỷ lãi hoạt động tài chính). Liên tiếp 3 năm từ 2020-2022, bảo hiểm FWD đều lỗ trên nghìn tỷ, trong đó năm 2022 lỗ kỷ lục 1,684 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022 bảo hiểm nhân thọ đã “ôm” số lỗ lũy kế đến 6,925 tỷ đồng.

Nguồn: BHNT FWD Việt Nam
Nguồn: BHNT FWD Việt Nam
Nguồn: BHNT FWD Việt Nam

Tác nhân gây ra tình trạng thua lỗ chồng chất cho BHNT FWD Việt Nam trong những năm qua chính là chi phí vận hành “vung tay quá trán”. Trong đó, dù có lãi thuần từ hai hoạt động kinh doanh chính vẫn không đủ để FWD trang trải chi phí bán hàng (chủ yếu là chi phí quản lý cho các kênh phân phối và quảng cáo bán hàng) cùng chi phí quản lý doanh nghiệp với chi phí nhân viên chiếm đến 75%.

Nguồn: BHNT FWD Việt Nam

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của FWD khi bất ngờ đứt mạch “lỗ”, thu về lãi ròng 878 tỷ đồng, giúp giảm lỗ lũy kế từ hơn 6,900 tỷ đồng xuống còn gần 6,100 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023. Yếu tố giúp công ty bảo hiểm này ghi nhận khoản lợi nhuận đầu tiên là chi phí bán hàng giảm hơn một nửa. Năm 2022, BHNT FWD Việt Nam từng chi kỷ lục gần 3,814 tỷ đồng cho quản lý các kênh phân phối (2,618 tỷ đồng) và quảng cáo bán hàng (1,069 tỷ đồng). Sang năm 2023, công ty đã thu hẹp đáng kể các khoản chi trên, chỉ còn bỏ ra 970 tỷ đồng cho các kênh phân phối và 827 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.

Tiềm lực tài chính mạnh dù lỗ hàng ngàn tỷ

Dù thua lỗ triền miên, tiềm lực tài chính của BHNT FWD Việt Nam vẫn mạnh với vốn điều lệ và tổng tài sản tăng phi mã.

Nguồn: BHNT FWD Việt Nam

Năm 2016, BHNT FWD Việt Nam khai trương trụ sở chính tại lầu 11, tòa nhà Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Ngay sau đó, Công ty đã tăng vốn thêm 315 tỷ đồng, và đều đặn mỗi năm nâng vốn lên các nấc thang mới. Đà tăng mạnh vốn điều lệ của FWD bắt đầu từ năm 2020, từ 3,675 tỷ đồng lên 15,174 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2019. Đỉnh điểm năm 2023 FWD tăng vốn điều lệ lên 19,102 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần sau 9 năm.

Nhờ tăng mạnh vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của FWD cũng gia tăng theo cấp số nhân. Từ mức 1,000 tỷ đồng năm 2015, tổng tài sản đã “phình to” gấp hơn 25 lần vào năm 2023, đạt 19,562 tỷ đồng. Trong đó tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn (gần 4,600 tỷ đồng) và đầu tư dài hạn (5,893 tỷ đồng)

FWD hoạt động tại Hồng Kông, Macau, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam, cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm cho người lao động tại các thị trường trên.

Tập đoàn Pacific Century Group có trụ sở tại Hồng Kông, được thành lập bởi ông Richard Li, con trai út của tỷ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hồng Kông, hiện ông có khối tài sản hơn 36 tỷ USD, xếp thứ 46 thế giới (theo Forbes tính tới 11/06/2024).

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD (thành lập năm 2013), kinh doanh bảo hiểm của Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group (PCG) – đây là một tập đoàn đầu tư tư nhân, thành lập năm 1993. Pacific Century Group hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và các nghiệp vụ đầu tư khác ở châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2016, Tập đoàn FWD mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern (Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD, kế thừa giấy phép thành lập và hoạt động của Great Eastern cấp ngày 23/11/2007. Tháng 11/2019, Tập đoàn Bảo hiểm FWD ký kết hợp tác độc quyền 15 năm với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB). Tháng 12/2019, BHNT FWD Việt Nam ký kết hợp tác triển khai bảo hiểm online qua kênh ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Năm 2021, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HOSE: HDB) cũng triển khai hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm của BHNT FWD Việt Nam. Năm 2022, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và BHNT FWD Việt Nam chính thức triển khai hợp tác về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thông qua gần 2,300 chi nhánh, phòng giao dịch Agribank trên toàn quốc.

Lợi suất đầu tư quỹ liên kết chung cải thiện từ nền thấp

Nguồn: BHNT FWD Việt Nam

Theo báo cáo kiểm toán về quỹ liên kết chung của BHNT FWD Việt Nam, giá trị tài sản tại ngày 31/12/2023 đạt hơn 3,161 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm 2023. Trong đó thu nhập từ hoạt động đầu tư theo tài sản (tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) đạt gần 191 tỷ đồng, tăng 67% so với đầu năm chủ yếu nhờ tiền gửi có kỳ hạn gấp 2.3 lần đầu năm. Tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của Quỹ liên kết chung trong năm là 7.29%, cải thiện so với mức nền thấp của năm 2022 là 6.34%. Theo đó tỷ suất đầu tư bình quân thanh toán cho bên mua bảo hiểm là 5.67%.

BHNT FWD Việt Nam cho biết, chiến lược đầu tư của quỹ đầu tư liên kết chung nhằm mục đích đạt được lợi nhuận đầu tư cao và ổn định từ lợi nhuận tích lũy chủ yếu thông qua đầu tư vào trái phiếu và các khoản thu nhập cố định như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi có kỳ hạn. Đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản tiềm năng của các chủ hợp đồng.

Quỹ liên kết chung được hình thành từ nguồn kinh phí bảo hiểm các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản của quỹ không phân chia mà xác định chung cho tất cả hợp đồng bảo hiểm được liên kết. Quỹ được thành lập và bắt đầu hoạt động vào tháng 09/2011, thời gian hoạt động của quỹ tương tự thời gian hoạt động của Công ty.

Năm 2023, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ liên tục ở mức thấp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng với tính thanh khoản giảm sút, BHNT FWD Việt Nam đã giảm tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ưu tiên phân bổ cao hơn cho tiền gửi có kỳ hạn, đặc biệt trong nửa đầu năm khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức hấp dẫn nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận đầu tư cho bên mua bảo hiểm.

Đến cuối năm 2023, tỷ trọng tài sản phân bổ cho danh mục trái phiếu Chính phủ là 15%, trái phiếu doanh nghiệp 29%, tiền gửi có kỳ hạn 55% và các khoản tương đương tiền 1% trên tổng giá trị tài sản của quỹ.

Khang Di - Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Thực hư mối liên hệ giữa Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và Bảo hiểm FWD Việt Nam (11/06/2024)

>   Đề xuất quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng (28/05/2024)

>   Đề nghị giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm, đảm bảo cuộc sống về già cho người lao động (27/05/2024)

>   ĐBQH: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (27/05/2024)

>   Chính phủ trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần (27/05/2024)

>   Đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi 200.000 người lao động (27/05/2024)

>   Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (24/05/2024)

>   Cổ phiếu bảo hiểm “thức giấc” (23/05/2024)

>   Sau những lùm xùm, bảo hiểm làm gì để củng cố niềm tin khách hàng? (17/05/2024)

>   Chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ tăng vọt (17/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật