Thực hư mối liên hệ giữa Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và Bảo hiểm FWD Việt Nam
Tại vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan điều tra cho biết đã kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.
Cụ thể trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan điều tra cho biết đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12,313 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thông tin kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (khoảng 492 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.
Lai lịch hai doanh nghiệp bảo hiểm có tên dễ bị nhầm lẫn
Tên doanh nghiệp cũng như màu sắc nhận diện thương hiệu (cam, đen, trắng) của Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam khá tương đồng với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, khiến không ít người nhầm lẫn. Trên website chính thức cũng như trang facebook có tick xanh của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam mới đây cho biết: “Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Vietnam Life Insurance Company Limited) được thành lập vào năm 2016, có trụ sở tại lầu 11, toà nhà Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Công ty chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập với Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Vietnam Company Limited) có trụ sở tại Toà nhà Capital Tower, 109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội”.
Ảnh chụp màn hình
|
Trong khi đó, động thái gần đây của Bảo hiểm FWD Việt Nam là việc ngày 04/06 vừa qua Công ty thay đổi Chủ tịch và đại diện pháp luật sang bà Phùng Thanh Hương đảm nhiệm. Trước đó chức Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật do ông Chen Yi Chung (quốc tịch Trung Quốc) đảm nhiệm (bổ nhiệm ngày 21/03/2022).
Ngoài ra, vào 29/12/2023, Bảo hiểm FWD Việt Nam cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Quang làm Chuyên gia tính toán của Công ty (chịu trách nhiệm kiểm soát và đảm bảo an toàn tài chính của Công ty) theo phê chuẩn của Bộ Tài chính. Trước đó, chức Tổng Giám đốc do ông Paul George Nguyen đảm nhiệm và miễn nhiệm ngày 17/07/2023, và ông Trần Đặng Dũng thay thế từ 26/09/2023.
Bà Phùng Thanh Hương và ông Nguyễn Anh Quang
|
Bà Hương được Bảo hiểm FWD Việt Nam giới thiệu có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm và hơn 10 năm làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực “Tuân thủ và Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế”; có hiểu biết sâu rộng về thị trường bảo hiểm và kinh nghiệm làm việc với các tổ chức, cơ quan chính phủ như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính.
Ông Quang được giới thiệu tốt nghiệp Đại học Waterloo - Canada với bằng Cử nhân Toán, Cử nhân danh dự ngành Tài chính & Quản lý rủi ro và Định phí. Ông Quang có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với các vị trí quan trọng của bộ phận Định phí.
Ông Chen Yi Chung
|
Được biết, ông Chen Yi Chung từng là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược SCB bổ nhiệm vào tháng 07/2020.
|
Thông tin giới thiệu của Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết Công ty hoạt động trong mảng bảo hiểm nhân thọ, tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank- Cardif, thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 55GP/KDBH ngày 23/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính. Giấy phép sửa đổi gần nhất vào ngày 10/06/2020 cho biết Công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng và chủ sở hữu 100% vốn là FWD Life Insurance Company (Bermuda) Limited.
Ngày 14/03/2022, quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam đã được chuyển sang một nhóm các nhà đầu tư mới và đã được Bộ Tài chính chấp thuận về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn đang trong quá trình xin Bộ Tài chính cấp giấy phép sửa đổi ghi nhận nhóm các chủ sở hữu mới và thay đổi tên Chủ sở hữu từ FWD Life Insurance Company (Bermuda) Limited sang các nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, Công ty cũng lưu ý rằng: “Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam) là một doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD, và hoàn toàn độc lập với FWD Assurance Việt Nam. Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường. Tất cả các khách hàng của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, cũng như mọi hoạt động của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi giao dịch này”.
Thông tin giới thiệu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam. Ảnh chụp màn hình ngày 10/06/2024.
|
Mặc dù cả hai doanh nghiệp có tên “FWD Việt Nam” cùng cho biết về việc “không liên quan” nhưng màu sắc, logo nhận diện lại dễ khiến nhiều người nhầm lẫn là 1 doanh nghiệp hoặc ít nhiều có sự liên quan nào đó.
Logo của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam (trái) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (phải)
|
Đáng chú ý, tại một báo cáo cuối năm 2023 của Bảo Hiểm FWD Việt Nam cho biết mối quan hệ với Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam là “Công ty con cùng tập đoàn” đến 21/03/2022. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng thời điểm này công ty thay đổi chủ sở hữu nhưng hiện vẫn chưa được Bộ Tài chính cấp giấy phép.
Nguồn: báo cáo của Bảo Hiểm FWD Việt Nam
|
Công ty bảo hiểm của bà Trương Mỹ Lan kinh doanh ra sao?
Kinh doanh bảo hiểm nhưng lãi tiền gửi ngân hàng làm trụ cột
Nguồn: Bảo hiểm FWD Việt Nam
|
Hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm nhưng mảng này lại có lợi nhuận lép vế hơn so với hoạt động tài chính, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Trong 3 năm qua (2021-2023), lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 40-65 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận tài chính luôn duy trì mức lãi hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn: Bảo hiểm FWD Việt Nam
|
Năm 2018, Bảo hiểm FWD Việt Nam lỗ ròng kỷ lục do hoạt động kinh doanh lỗ gộp 10 tỷ đồng. Cùng với đó là gánh nặng chi phí quản lý doanh nghiệp “ngốn” hơn 90 tỷ đồng nên dù hoạt động tài chính mang về lợi nhuận gộp 63 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng lỗ nặng.
Nguồn: Bảo hiểm FWD Việt Nam
|
Hai năm sau khi lỗ kỷ lục, lợi nhuận ròng của Bảo hiểm FWD Việt Nam vào năm 2020 đạt đỉnh 90 tỷ đồng nhờ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cao kỷ lục (91 tỷ đồng) và lợi nhuận từ hoạt động tài chính lần đầu tiên vượt lên trên ngưỡng 100 tỷ đồng.
Lập đỉnh lợi nhuận, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo hiểm FWD Việt Nam dần mất phong độ với mức lãi rơi xuống đáy 41 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 35% so với năm 2022. Dù vậy, lãi ròng vẫn tăng 92% so với năm trước nhờ lợi nhuận tài chính tăng 42%, đạt 178 tỷ đồng.
Hơn thập kỷ không tăng vốn
Kể từ khi công bố báo cáo tài chính (từ năm 2012), Bảo hiểm FWD Việt Nam không tăng vốn, giữ cố định ở mức 600 tỷ đồng.
Nguồn: Bảo hiểm FWD Việt Nam
|
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 2,500 tỷ đồng, gấp 3.8 lần sau 13 năm. Trong đó tài sản chủ yếu là 1,418 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn (trên 3 tháng và kỳ hạn còn lại từ 12 tháng trở xuống tính từ 31/12/2023), 350 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài (trên 12 tháng tính từ ngày 31/12/2023) và hơn 391 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Thu Minh - Khang Di
FILI
|