Thứ Hai, 27/05/2024 10:07

ĐBQH: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất nhóm đối tượng hộ kinh doanh khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Trần Thị Kim Yến quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động nhưng có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật.

Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13) tuy nhiên xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.

Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. Vì vậy, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.

Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.

Dự thảo luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đại biểu cũng đề xuất là bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, bởi  trên thực tế cho thấy rằng là trong thời gian vừa qua khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.

Đại biểu đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh; đồng thời bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn…

Cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, tại khoản 5 Điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế kỳ vọng. 

Tại khoản 2 Điều 43, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau, với trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 Luật này.

Tại điểm b khoản 1 Điều 48 quy định “trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu có bản tóm tắt hồ sơ bệnh án”, đại biểu đề nghị thay bằng “bản chứng hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú hoặc bán trú, hoặc các giấy tờ ghi rõ ngày nhập viện”. Đồng thời đề nghị cân nhắc quy định như cũ, thay bằng “bản sao giấy báo từ” để thuận lợi cho quá trình chứng minh.

Tại khoản 1 Điều 53, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chính phủ trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần (27/05/2024)

>   Đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi 200.000 người lao động (27/05/2024)

>   Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (24/05/2024)

>   Cổ phiếu bảo hiểm “thức giấc” (23/05/2024)

>   Sau những lùm xùm, bảo hiểm làm gì để củng cố niềm tin khách hàng? (17/05/2024)

>   Chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ tăng vọt (17/05/2024)

>   Từ 1-7, tiền lương đóng BHXH khu vực Nhà nước sẽ thay đổi (15/05/2024)

>   Tôn trọng quyết định rút BHXH một lần của người lao động (13/05/2024)

>   Lo ngại ảnh hưởng quyền lợi BHXH, nhiều người lao động muốn nghỉ việc (11/05/2024)

>   Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm mạnh (04/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật