Lo ngại ảnh hưởng quyền lợi BHXH, nhiều người lao động muốn nghỉ việc
Nhiều người lao động muốn nghỉ việc vì lo ngại sự thay đổi của luật BHXH sẽ ảnh hưởng quyền lợi.
Ngày 11-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Sơn, đại diện Công ty May mặc Song Ngọc, cho biết tại công ty này, vì lo ngại sự thay đổi của luật sẽ ảnh hưởng quyền lợi nên số người lao động có dưới 15 năm đóng BHXH xin nghỉ việc rất nhiều.
“Cách tính lương hưu cho người lao động bằng bình quân cả quá trình đóng BHXH hiện nay đang có nhiều bất cập do những năm đầu đóng BHXH với tiền lương thấp. Bản thân tôi muốn bỏ quá trình đóng BHXH 10 năm khi tham gia quân đội để có lương hưu cao hơn nhưng không bỏ được” - ông Sơn bày tỏ.
Ông Sơn kiến nghị cần phải tăng cường việc tuyên truyền Luật BHXH để người lao động thấy tham gia BHXH không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi cho cá nhân và xã hội.
Tương tự, ông Kim Vĩnh Cường, đại diện Công ty PouYuen Việt Nam, cho rằng thực tế lao động ở độ tuổi trên 50 tại công ty rất ít. Sau độ tuổi này, vì không đảm bảo sức khỏe làm việc, hầu hết người lao động chuyển đi làm việc khác hoặc về quê sinh sống.
Ông Cường dẫn chứng thực tế hiện nay, cách tính tiền lương hưu của người lao động là bình quân cả quá trình đóng BHXH, mức này là rất thấp. Nhiều người lao động khi nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, người làm việc khu vực Nhà nước thì có nhiều mốc để tính lương hưu.
“Chính vì thế, hiện nay nhiều người lao động tính toán để nhận BHXH một lần vì phải chờ đợi quá lâu mới đủ độ tuổi để nghỉ hưu. Thậm chí nhiều người lao động muốn nghỉ việc để “chạy luật” vì lo lắng không biết khi Dự thảo Luật BHXH lần này được thông qua thì quyền lợi sẽ thế nào” - ông Cường nói.
Còn ông Phạm Quốc Tiến, đại diện Công ty Nệm Liên Á, cho biết nhiều người lao động của công ty này tìm công đoàn nhờ tư vấn rút BHXH một lần khi dự thảo Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến.
Theo ông Tiến, với điều kiện để được nghỉ hưu như hiện nay về độ tuổi và số năm đóng BHXH, nhiều người lao động cho rằng đi làm một thời gian rồi nghỉ nhận BHXH một lần, sau đó đi làm lại thì vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này có lợi hơn là đóng BHXH liên tục cho đến khi nghỉ hưu.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, đại diện Công ty Intel Product, cho hay nếu người lao động đi làm từ 18 tuổi và phải chờ đến 62 tuổi (với nam), 60 tuổi (với nữ) mới đủ tuổi nghỉ hưu, lúc này người lao động nam phải đóng BHXH tới 44 năm, nữ phải đóng 42 năm, như vậy là rất dài.
“Đối với người lao động đã đóng đủ số năm đóng BHXH để được nghỉ hưu và nghỉ trước trong vòng 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu nên được hưởng 100% tỉ lệ lương hưu mà không bị trừ % nếu nghỉ trước tuổi. Làm được như vậy sẽ giữ được người lao động ở lại tham gia BHXH” - Bà Yến đề xuất.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ, cho rằng dự thảo Luật Việc làm loại trường hợp bị sa thải ra khỏi nhóm được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp tình hợp lý.
“Ví dụ một người vốn hiền lành nhưng vì một lý do nào đó mà bộc phát đánh nhau trong công ty, chiếu theo quy định sẽ bị sa thải. Nếu may mắn, họ có thể tìm được việc ngay, đảm bảo được cuộc sống. Nhưng nếu không tìm được việc, lại không có trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ lâm vào khốn khó” - bà Hà nói và đề xuất chỉ không trả trợ cấp thất nghiệp cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
HÀ MÂY
Pháp luật TPHCM
|