Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo một thông tư và nó có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Dự thảo thông tư này quy định rằng ngân hàng thương mại không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Lý do được đưa ra là loại hình sản phẩm này dễ gây nhầm lẫn với một số sản phẩm khác của ngân hàng.
Khủng hoảng của kênh bancassurance và ngành bảo hiểm nhân thọ
Năm 2023 là một năm khủng hoảng của ngành BHNT. Khó ai có thể hình dung khi kinh doanh BHNT mà doanh thu khai thác mới giảm đến 50%. Và bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang từ là một kênh phân phối chủ lực của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bỗng rớt hạng nhanh chóng, cũng như tỷ trọng của sản phẩm liên kết đầu tư. Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ảnh hưởng từ doanh thu cũng như số lượng hợp đồng khai thác mới của sản phẩm liên kết đầu tư đã kéo tổng doanh thu và số lượng hợp đồng có hiệu lực giảm hơn 10% so với năm trước đó.
Khủng hoảng còn chồng lên khủng hoảng khi năm doanh nghiệp bảo hiểm bị cơ quan quản lý thanh tra. Theo một thông báo mới đây từ Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp này đều có vi phạm trong việc để cho nhân viên cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện, vi phạm trong hạch toán kế toán liên quan đến thuế thu nhập.
Dù khủng hoảng như vậy nhưng doanh thu khai thác mới cũng như tổng doanh thu của bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn chiếm một tỷ trọng lớn, tương ứng với 60,7% và 70,3%. Điều này cho thấy nhu cầu về sản phẩm này là mạnh mẽ từ thị trường.
|
Hệ lụy của việc phát triển ào ạt và buông lỏng quản lý kênh phân phối qua ngân hàng là tỷ lệ hủy hợp đồng trong năm đầu tiên rất cao, có doanh nghiệp bảo hiểm tỷ lệ này lên đến gần 60%, thậm chí 70%. Việc hủy hợp đồng trong năm thứ nhất gây thiệt hại lớn cho khách hàng trước mắt và doanh nghiệp bảo hiểm hay ngành bảo hiểm về lâu dài. Một ví dụ dễ thấy nhất là kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm rất khó ổn định khi tỷ lệ hủy cao.
Dù khủng hoảng như vậy nhưng doanh thu khai thác mới cũng như tổng doanh thu của bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn chiếm một tỷ trọng lớn, tương ứng với 60,7% và 70,3%. Điều này cho thấy nhu cầu về sản phẩm này là mạnh mẽ từ thị trường.
Cần giải pháp uyển chuyển hơn
Dự thảo thông tư của NHNN nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các ngân hàng, nhưng lại chỉ cấm sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Dù với lý do gì đi nữa thì việc cấm một sản phẩm có nhu cầu lớn, được triển khai qua một kênh phân phối truyền thống và hiệu quả ở nhiều thị trường khác trên thế giới là cần cân nhắc.
Hệ lụy sẽ như thế nào nếu các thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng bị phá vỡ? Nếu cấm ngân hàng cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cử người của mình sang thường trực ở ngân hàng? Hay các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cùng nhau tìm một giải pháp để chống chế?
Vấn đề có thể thấy được ở đây không phải là kênh phân phối hay sản phẩm, mà là cách thực hiện. Ai cũng có thể thấy được vì chạy theo doanh số mà các doanh nghiệp bảo hiểm cùng ngân hàng đã bỏ lơ lợi ích của khách hàng, thậm chí lợi ích của nhân viên (bị ép chỉ tiêu). Một sản phẩm hữu ích là khi người tiêu dùng tự nguyện và chấp nhận sau khi được tư vấn kỹ càng!
Nếu như ngân hàng cùng doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ đúng quy trình đào tạo đại lý bảo hiểm, cung cấp sản phẩm khi đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết thì tỷ lệ hủy hợp đồng của năm thứ nhất sẽ là bao nhiêu? Nhiều người tin rằng tỷ lệ này sẽ thấp đi đáng kể!
Vì lợi ích chung
Việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nói chung và bảo hiểm liên kết đầu tư nói riêng qua kênh ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Phía doanh nghiệp bảo hiểm dĩ nhiên sẽ muốn duy trì và phát triển một kênh phân phối quan trọng và hiệu quả là bancassurance và phía ngân hàng cũng muốn đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ của mình, đa dạng hóa sản phẩm cung cấp đến khách hàng. Về phía khách hàng, cũng là lợi ích nếu họ được tư vấn đầy đủ trách nhiệm, vì có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm dịch vụ ở cùng một nơi.
Vấn đề có thể thấy được ở đây không phải là kênh phân phối hay sản phẩm, mà là cách thực hiện. Ai cũng có thể thấy được vì chạy theo doanh số mà các doanh nghiệp bảo hiểm cùng ngân hàng đã bỏ lơ lợi ích của khách hàng, thậm chí lợi ích của nhân viên (bị ép chỉ tiêu).
|
Sự phát triển bền vững chỉ có khi lợi ích được chan hòa, lợi ích nhận được của các bên đi cùng với trách nhiệm của các bên. Việc phát triển phải phù hợp với sự phát triển chung của cả nền kinh tế, của thị trường, tránh chạy theo những mục tiêu ngắn hạn và chạy theo tăng trưởng nóng, số lượng thay vì chất lượng.
BHNT liên kết đầu tư là một sản phẩm tài chính đặc thù kết hợp cả hai yếu tố bảo hiểm và đầu tư. Với sự phát triển của thị trường tài chính và những lợi thế riêng của doanh nghiệp bảo hiểm thì đây là một sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Khi kết hợp với kênh phân phối qua ngân hàng thì hiệu quả sẽ càng được phát huy.
Hiện nay hoạt động bancassurance được quản lý, giám sát bởi cả Bộ Tài chính và NHNN. Trong khi Bộ Tài chính đã có những chấn chỉnh trong việc thanh kiểm tra, hy vọng từ đó sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động làm đại lý bảo hiểm của ngân hàng thì phía NHNN cũng cần chọn giải pháp uyển chuyển hơn là cấm.
Đứng ở góc độ quản lý, giám sát nhà nước, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu, nhưng việc ban hành các quy định cần cân nhắc đến nhiều khía cạnh khác và lợi ích chung, thay vì chọn giải pháp đơn giản nhất. Hy vọng rằng với việc chấn chỉnh các doanh nghiệp bảo hiểm từ phía Bộ Tài chính thì NHNN cũng có những phối hợp tích cực để lấy lại niềm tin của thị trường, vì lợi ích chung của người tiêu dùng, doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng.
TS. Võ Đình Trí