Lo rủi ro nếu để doanh nghiệp quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung
Bộ Tài chính đề xuất chuyển bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện từ các doanh nghiệp tư nhân sang BHXH Việt Nam quản lý để giảm thiểu rủi ro cho người tham gia.
Bộ Tài chính vừa đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH xem xét sửa đổi quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung trong Luật BHXH sửa đổi, đang chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến.
Luật BHXH hiện hành quy định trần mức đóng BHXH bắt buộc không vượt quá 20 lần tháng lương cơ sở, tương đương 36 triệu đồng. Do vậy, các cá nhân muốn có mức lương hưu cao hơn chỉ còn cách tiếp cận kênh bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện cho 4 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư SSI (SSI), Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCFM), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) và Công ty Liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF). Đến cuối năm 2023 tổng tài sản của các quỹ này là 857,97 tỉ đồng.
Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo
|
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện chưa thực sự phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập bình quân đầu người còn thấp, ảnh hưởng của dịch bệnh, thói quen tiết kiệm dài hạn còn hạn chế…
Ngoài ra, thời gian qua trên thị trường tài chính xảy ra một số vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của người tham gia các sản phẩm dài hạn. Cùng với đó, doanh nghiệp bảo hiểm còn đối diện với rủi ro khi vi phạm, chẳng hạn như bị thu hồi giấy phép hoạt động sẽ ảnh hưởng đến những người tham gia.
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng để cơ quan nhà nước là BHXH Việt Nam vận hành, cung cấp dịch vụ Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thay vì để doanh nghiệp tư nhân như hiện nay.
Theo đó, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết phương án chuyển tiếp đối với người tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng: Các doanh nghiệp quản lý quỹ dừng các chương trình đang triển khai, chuyển những tài khoản hưu trí cá nhân thành tiền. Người tham gia được lựa chọn nhận chi trả bằng tiền theo quy định hoặc chuyển sang tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung do BHXH tổ chức. Cách làm này sẽ giúp Nhà nước đạt mục tiêu vừa mang tính thị trường, vừa giảm thiểu rủi ro cho người tham gia quỹ.
Cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng
Theo Bộ Tài chính, việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là tự nguyện, được quản lý tách biệt với BHXH bắt buộc và tự nguyện. Người tham gia nhận chi trả từ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo số dư tài khoản hưu trí tại thời điểm nhận chi trả, do đó không ảnh hưởng đến chính sách về mức trần đóng BHXH bắt buộc.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đây là đề xuất mới, cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để nghiên cứu, xem xét trong quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo luật.
Liên quan đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, bảo hiểm hưu trí tự nguyện quản lý khác hoàn toàn với BHXH Việt Nam, đây là công ty quản lý quỹ uỷ thác đầu tư, tiền của người tham gia vào quỹ này phải đảm bảo an toàn và sinh lời nhiều hơn.
Ông Huân cho hay, BHXH bắt buộc chỉ đóng được mức độ nhất định còn những người có tiền muốn đóng để có mức hưởng cao hơn thì tham gia Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện. Người tham gia đóng vào quỹ này đầu tư, sinh lời bao nhiêu cộng vào và rút ra theo tài khoản cá nhân.
Về lo ngại rủi ro, ông Huân cho rằng khi người tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện uỷ thác đầu tư cho công ty quỹ đầu tư thì hai bên phải thoả thuận với nhau, nếu lãi suất cao thì rủi ro sẽ tăng lên, còn an toàn thì ít rủi ro thì lãi suất thấp. Việc này do hai bên thoả thuận và khác hoàn toàn với việc tham gia BHXH Việt Nam.
Vũ Điệp
VietNamNet
|