USABC sẽ phá kỷ lục về số lượng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam
Sở dĩ Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp Mỹ nhờ được đánh giá là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp nước này.
Ông Marc E.Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thăm một khu công nghiệp tại Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
|
Ngày 29/2, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Washington D.C về chuyến dẫn đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam vào ngày 18/3.
Đây là chuyến công tác thường niên của USABC tới Việt Nam và là chuyến đi đặc biệt quan trọng sau khi hai nước chính thức nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, đúng vào năm kỷ niệm 40 năm thành lập USABC.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC, cơ hội cho các công ty Mỹ tại Việt Nam là rất lớn, Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ.
Cựu Đại sứ Ted Osius tin tưởng năm nay, USABC sẽ phá kỷ lục về số lượng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam. Hồi tháng 3/2023, ông đã đưa phái đoàn gồm 51 doanh nghiệp tham gia và con số doanh nghiệp năm nay sẽ nhiều hơn thế.
Đại sứ Ted Osius bày tỏ vui mừng được đưa các công ty hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và tiềm năng đầu tư.
Theo ông, các doanh nghiệp Mỹ dành rất nhiều sự quan tâm đến Việt Nam. Từ gần như không có quan hệ thương mại khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1990 cho đến thương mại hai chiều đạt 138 tỷ USD vào năm 2022; đến nay Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Theo đánh giá của ông Ted Osius, có 3 lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm và sẽ đầu tư vào Việt Nam, bao gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ có cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn vốn đòi hỏi nhiều yếu tố chẳng hạn như nguồn năng lượng đáng tin cậy, có sẵn nguồn nước và lực lượng lao động có trình độ. Vì vậy, Chính phủ Mỹ đang đầu tư vào phát triển lực lượng lao động cho Việt Nam.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang đầu tư 100 triệu USD vào phát triển lực lượng lao động, và mới có thêm thông báo khác cách đây vài ngày về cam kết bổ sung nhằm nâng cao trình độ lực lượng lao động thông qua Đại học bang Arizona. Các công ty Mỹ cũng rất quan tâm đến sự phát triển không ngừng của lực lượng lao động Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez gần đây đã đến Việt Nam và cho biết có 15 công ty sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn. Do dự báo sẽ có những thách thức khi các công ty này muốn mua năng lượng sạch từ các nguồn như khí tự nhiên sạch, năng lượng Mặt Trời, thủy điện và gió nên trong chuyến thăm vào tháng 3, USABC sẽ bàn với các doanh nghiệp cách thức để triển khai nhiệm vụ nêu trên.
Các công ty Mỹ cũng mong muốn có thể sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế tại Việt Nam và đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông bày tỏ tin tưởng vào những tiềm năng to lớn nói trên và cho rằng trong chuyến đi tháng 3 tới, một số tiềm năng đó sẽ được hiện thực hóa.
Theo Đại sứ Ted Osius, sở dĩ Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp Mỹ nhờ được đánh giá là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp nước này.
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức. Ông đánh giá cao sự cởi mở trong hợp tác kinh doanh giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao vì Việt Nam có rất nhiều nhân tài, có tiềm năng rất lớn.
Theo ông, lĩnh vực này có thể đạt 1.000 tỷ USD trên toàn ASEAN vào năm 2030 và có thể chiếm 30% nền kinh tế Việt Nam trong vòng vài năm nữa. Đây là một bộ phận đang phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam và là lĩnh vực thu hút các công ty Mỹ sẽ đồng hành cùng ông trong chuyến đi tháng 3 năm nay./.
Kiều Trang - Hồng Nguyên
Vietnamplus
|