Gỡ rào cản kinh doanh: Quy định chưa bỏ, dự thảo mới đã 'cài' thêm
Trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới. Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nêu nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh.
Còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp
Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số DN gia nhập thị trường.
Đó là thực trạng được TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp” ngày 29/2.
Theo bà Minh, thực tế trên cho thấy DN đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho DN.
Nghị quyết số 02 kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ảnh: N.L
|
Chính vì thế, Chính phủ đã khôi phục lại chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 5/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.
“Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN", bà Minh nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2021 đến cuối 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật.
Qua đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, điều kiện kinh doanh đơn giản hơn, nhiều quy định vướng mắc được kịp thời sửa đổi.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá.
“Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”, chuyên gia VCCI nói.
Cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng như quy định doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi hay yêu cầu tăng cường i-ốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm...
Cần cơ chế giám sát, xử lý cán bộ
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đề xuất, để tạo động lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong thực thi nghị quyết.
Theo bà Chi, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Quá trình thực thi nghị quyết phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ ngành được giao.
“Những quy định nào đã có chỉ đạo thì bắt buộc phải làm ngay với thời gian hoàn thành và thời hạn cụ thể. Nếu không hoàn thành thì xử lý cán bộ thực hiện và người đứng đầu hoặc xem xét có được phép chuyển hồ sơ lên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ để được xem xét giải quyết hay không.
Phải làm sao tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, bộ ngành phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của DN, người dân như là lợi ích cho chính mình. Có như vậy, việc thực thi nghị quyết mới hiệu quả”, bà Chi nói.
Nguyễn Lê
VietNamNet
|