Thứ Hai, 22/01/2024 08:43

Phân tích thay đổi cấu trúc GDP của Việt Nam từ 2010-2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhưng chưa mạnh

Giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà nền kinh tế Việt Nam nhận được ngày càng nhỏ đi, điều đó cho thấy tình hình sản xuất của nhóm ngành này ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện hơn.

Thủy sản nằm trong nhóm có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất, giá trị tăng thêm của nhóm ngành này lại giảm mạnh theo thời gian. Ảnh: T.L

Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia của Liên hiệp quốc, GDP được tính bằng ba phương pháp. Với phương pháp sản xuất, GDP bao gồm tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của các ngành trong nền kinh tế và thuế sản phẩm trừ các khoản trợ cấp. Với phương pháp thu nhập, GDP được tính bằng tổng các khoản thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định và thuế sản phẩm trừ trợ cấp. Tính GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng bao gồm tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và nhà nước), tích lũy gộp tài sản cố định (bao gồm khấu hao) và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Cấu trúc GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng

Về cơ cấu của các thành phần của cầu cuối cùng trong GDP, số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy cơ cấu về đầu tư (tích lũy gộp tài sản) trong một thời gian dài khoảng trên 30% GDP; trong khi cầu tiêu dùng giảm từ 68% GDP năm 2010 xuống 63,4% năm 2022, trong đó tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước giảm 1,53 điểm phần trăm và tiêu dùng cuối cùng của dân cư giảm 3,83 điểm phần trăm; tỷ lệ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong GDP từ chỗ âm (-5,63%) năm 2010 thì đến năm 2022 dương 8%. Tuy nhiên đóng góp này là do khu vực FDI mang lại.

Cấu trúc về thành phần kinh tế trong GDP

Tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2010-2023 khoảng 6%. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhưng nhìn sâu hơn vào cấu trúc sở hữu trong GDP, có thể thấy đóng góp vào GDP cơ bản do khu vực ngoài nhà nước, trong đó khu vực cá thể trong suốt giai đoạn 2010-2015 có tỷ lệ giá trị gia tăng so với GDP luôn ổn định ở mức trên 31%. Tuy nhiên, trên trang web của TCTK hiện nay không chia ra khu vực kinh tế cá thể riêng biệt, mà gộp chung vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể).

Hơn nữa nhóm ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đối với nền kinh tế thấp và ngày càng thấp. Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà nền kinh tế Việt Nam nhận được ngày càng nhỏ đi.

Theo số liệu của TCTK, hiện tại cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong GDP không khác bao nhiêu so với năm 2010; cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực nhà nước trong GDP giảm khoảng 3 điểm phần trăm; cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khoảng 5 điểm phần trăm; cơ cấu thuế sản phẩm (trừ trợ cấp) giảm khoảng 2 điểm phần trăm.

Cấu trúc về ngành trong GDP

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất. Tiếc rằng cơ cấu về giá trị tăng thêm của nhóm ngành này lại giảm mạnh theo thời gian. Nếu năm 2010 tỷ trọng giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trong GDP 15,4%, thì đến năm 2023 tỷ lệ này chỉ còn 11,9%; trong khi cơ cấu giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ từ 2010-2023 không thay đổi.

Cũng từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất chung của nền kinh tế đều sụt giảm trong giai đoạn 2016-2023 so với giai đoạn 2007-2015. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ lệ này giảm từ 34,7% ở giai đoạn 2007-2015 xuống chỉ còn 21,7%. Hơn nữa nhóm ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đối với nền kinh tế thấp và ngày càng thấp. Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà nền kinh tế Việt Nam nhận được ngày càng nhỏ đi, nó cũng cho thấy tình hình sản xuất của nhóm ngành này ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện hơn. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm, từ 68% giai đoạn 2007-2015 xuống 63% giai đoạn 2016-2023.

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong hai giai đoạn cho thấy, xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (giảm 13,3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (tăng 52%).

Với cấu trúc ngành như vậy, chứng tỏ hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. Như vậy, sự hứng thú với công nghiệp hóa theo hướng tăng quy mô có thể là không hiệu quả; công nghiệp hóa nên tập trung vào gia tăng hàm lượng các sản phẩm công nghiệp chế biến được các ngành khác trong nền kinh tế sử dụng là đầu vào trong quá trình sản xuất. Công nghiệp hóa theo hướng phát triển rộng, thay vì đi vào chiều sâu, có thể chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Bùi Trinh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giải ngân nhanh vốn đầu tư công (21/01/2024)

>   Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật các ông Trần Tuấn Anh, Trịnh Đình Dũng (19/01/2024)

>   Maybank: Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp rút ngắn thời gian phát triển dự án nhà ở thương mại (18/01/2024)

>   Thủ tướng: Lập tổ tư vấn quốc tế xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam (18/01/2024)

>   Thủ tướng: Thế giới dù có chao đảo thì Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu (18/01/2024)

>   Chuyên gia khuyến nghị chính sách để thực hiện mục tiêu CPI trong năm 2024 (16/01/2024)

>   Chuyên gia: Không chủ quan trong kiểm soát giá cả, tránh tạo lạm phát kỳ vọng (16/01/2024)

>   TP.HCM triển khai Nghị quyết 98 rất khẩn trương (15/01/2024)

>   Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 theo dự báo của CIEM (15/01/2024)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (15/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật