Dịch vụ
Imexpharm từ sức hút M&A đến dẫn đầu về chuẩn EU-GMP
CTCP Dược phẩm Imexpharm là một trong những doanh nghiệp cổ phần hóa sớm nhất của Tổng Công ty Dược Việt Nam vào năm 2001. Sự thay đổi cơ chế này, tiếp theo đó là các hoạt động M&A với đối tác ngoại là những bước đi thực sự quan trọng cho phép Imexpharm tạo ra sức bật mạnh mẽ về tài chính, công nghệ. Với chiến lược cải tiến liên tục và thay đổi để dẫn đầu, Imexpharm đạt một trong tiêu chuẩn sản xuất cao nhất hiện nay là EU-GMP, chuyên sản xuất thuốc đặc trị theo định hướng phát triển của ngành dược Việt Nam.
Hấp lực M&A của dược phẩm
Đến nay, Imexpharm trở thành thương hiệu dẫn đầu trong thị trường thuốc kháng sinh cũng như trở thành đối tác hàng đầu của hàng loạt hãng dược lớn trên thế giới như Sandoz, Sanofi-Aventis, Pharmascience, DP Pharma...
Đà tăng trưởng của các công ty dược như Imexpharm đang tạo ra làn sóng M&A của các công ty dược phẩm nội nội địa. Điểm đáng chú ý là hầu hết doanh nghiệp dược hàng đầu đều có cổ đông chiến lược ngoại như: Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)… Phân tích từ Công ty Kiểm toán PwC cho thấy, năm 2023, y dược và chăm sóc sức khỏe sẽ nằm trong số ít các lĩnh vực dẫn đầu về M&A trong năm khi duy trì tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Là một trường hợp điển hình, năm 2020, SK Group (Hàn Quốc) rót vốn vào Imexpharm và đang hái trái ngọt từ khoản đầu tư này với vị thế dẫn đầu trong thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam. “Chúng tôi cho rằng sự đầu tư của Tập đoàn SK vào Imexpharm là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của thị trường dược phẩm Việt Nam và cũng như ghi nhận năng lực và tiềm năng của Imexpharm”, Tổng giám đốc Imexpharm, Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào cho biết.
Imexpharm đầu tư chỉn chu và nghiêm túc trong từng khâu sản xuất
|
Trong kết quả kinh doanh năm 2023, khi nhiều nhóm ngành giảm thì đa phần các doanh nghiệp dược phẩm như Imexpharm ghi nhận lợi nhuận quý III cao kỷ lục khi tăng 24,9%. Trong danh sách lợi cao còn có Dược Hậu Giang, Dược phẩm Trung ương, Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Hóa - Dược phẩm Mekophar… nhờ triển vọng khả quan của ngành.
Mở rộng cơ hội tại thị trường xuất khẩu
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá. Bắt tay với đối tác ngoại thông qua M&A, các công ty dược phẩm trong nước không chỉ, nâng cao kỹ năng quản trị, trình độ sản xuất mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ ngoại trong ngành...
|
Đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp dược có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định như hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)..., để có thể tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường quốc tế. Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia.
Chẳng hạn, sự tham gia đầu tư của Tập đoàn SK đã củng cố nền tảng tài chính vững mạnh, đưa kinh nghiệm quản lý quốc tế vào trong hoạt động quản trị của Imexpharm, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Imexpharm đang tạo ra lợi thế lớn với 4 cụm nhà máy, 11 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP, dẫn đầu cả nước về số lượng dây chuyền đạt tiêu chuẩn châu Âu. Khoản đầu tư này giúp Công ty giữ vững lợi thế Công ty dược phẩm sản xuất kháng sinh số 1 tại thị trường trong nước khi thuốc sản xuất trên dây chuyền chuẩn EU-GMP được dự thầu gói thuốc generic nhóm 1 và nhóm 2.
Một phần dây chuyền sản xuất thuốc gói tại nhà máy EU-GMP của Imexpharm
|
“Sự tăng trưởng và phát triển của các công ty dược trong nước mở ra cơ hội cho sự phát triển của các dịch vụ y tế tiên tiến và hiện đại, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”, Tổng giám đốc của Imexpharm cho biết.
Kỹ sư Imexpharm kiểm tra định kỳ hệ thống tại nhà máy 1
|
Ngoài ra, các doanh nghiệp dẫn đầu như Imexpharm tham gia tích cực vào Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực... Đây là lợi thế lớn của Imexpharm khi hiện nay theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp dược trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương như Japan-GMP. Lãnh đạo của Imexpharm cho biết, hiện Công ty có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm được phép phân phối và lưu hành tại châu Âu theo tiêu chuẩn EU-GMP. Hiện, Imexpharm đang từng bước tìm kiếm đối tác quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, tháng 10 mới đây, Imexpharm là một trong số ít công ty trong nước tham gia sự kiện CPhI tại Barcelona, Tây Ban Nha. “Đây là bước đi quan trọng của chúng tôi nhằm tiếp cận các thị trường mới. Tại đây chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác tiềm năng và bước đầu được các đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Tổng giám đốc của Imexpharm cho biết.
FILI
|