Thứ Ba, 19/12/2023 13:02

FDI tiếp tục là điểm sáng thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm 2024

Bất chấp suy thoái thương mại, FDI sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng và một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam.

Dù năm 2023 nền kinh tế có nhiều khó khăn và các kết quả dần hiện ra cho thấy không được như kỳ vọng, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam có nhiều dự báo tươi sáng hơn trong năm 2024.

Theo quan điểm của ông, sự khác biệt lớn nhất cho thấy khó khăn của năm 2023 so với các năm trước là gì?

Ông Ngô Đăng Khoa: Tăng trưởng của Việt Nam chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023, trong khi tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm cũng chậm hơn kỳ vọng. Với một nền kinh tế mở với định hướng xuất khẩu, nhu cầu đơn hàng trì trệ trên toàn cầu vẫn là khó khăn chính đối với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam vẫn là sự suy thoái nghiêm trọng trong chu kỳ thương mại toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ giảm mạnh so với các quốc gia khác, khi 30% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu gần đây của Trung Quốc đã mang lại hỗ trợ rất cần thiết cho lĩnh vực thương mại.

Bước sang quý 4, Việt Nam tiếp tục cho thấy đà hồi phục kinh tế tương đối tích cực. Xuất khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa đồng đều. Trong khi số liệu xuất khẩu cho thấy một số thiết bị điện tử tiêu dùng (trừ điện thoại) đã chạm đáy thì dệt may và da giày tiếp tục chứng kiến lượng đơn đặt hàng sụt giảm. Vì vậy, triển vọng thương mại vẫn còn nhiều khó khăn, vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn chưa cho thấy đà phục hồi rõ rệt.

Ông dự báo gì về lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024? Đâu sẽ là ẩn số lớn nhất có thể tác động nhiều nhất lên tăng trưởng kinh tế năm 2024?

Nhóm nghiên cứu HSBC dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5.0%, đồng thời dự báo tăng trưởng năm 2024 là 6.3%. Lạm phát liên tục hạ nhiệt và có xu hướng tiếp tục giảm trên nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đà tăng gần đây do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ. Do đó, nhóm nghiên cứu HSBC đã nâng dự báo lạm phát lên 3.2% vào năm 2023 và 3.1% vào năm 2024.

Thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng rất lớn. Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, có 2 chuyện khó là cơ sở hạ tầng và nguồn vốn. Nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ngày càng tăng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng tốc độ đô thị hóa đang gia tăng. Theo ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (GIH), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt khi so với các nước trong khu vực ASEAN. Vì vậy, cần có thêm các chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nhìn ra toàn cầu, đâu sẽ là những yếu tố có thể tác động lên nền kinh tế Việt Nam?

Có rất nhiều kịch bản được đặt ra cho bài toán tăng trưởng và lạm phát toàn cầu trong năm 2024, điều đó dẫn tới rất nhiều biến động khó lường đối với thị trường tài chính cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Bước sang năm 2024, dữ liệu kinh tế được dự báo sẽ tích cực hơn một chút so với năm 2023, nhờ sự phục hồi trong thương mại toàn cầu được dự báo có khả năng xảy ra vào nửa cuối năm 2024 cùng với đà ấm lên của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, bất kỳ cú sốc nào - đặc biệt đối với thị trường lao động - có thể gây ảnh hưởng tâm lý, dẫn đến việc các hộ gia đình tiết kiệm chi tiêu. Tác động toàn diện của lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình . Ngoài ra, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu do áp lực từ nguồn cung, bao gồm cả giá lương thực và năng lượng, khi rủi ro địa chính trị vẫn còn phức tạp.

Ông có mong chờ gì từ chính sách vĩ mô trong năm tới ?

Để giải quyết những lo ngại về tăng trưởng, một loạt các biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa đã được triển khai Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành trong năm nay, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất thấp hơn, hỗ trợ định giá tốt hơn cho chứng khoán. Ngoài ra, các dấu hiệu tích cực về việc lạm phát có khả năng được kiểm soát cũng như triển vọng kinh tế đang cho thấy đà hồi phục nhất định. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4.5% cho đến năm 2024.

Về mặt chính sách tài khóa, các cơ quan chức năng cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được đưa ra trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng hạn chế về thị thực du lịch đã có hiệu lực cũng góp phần thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng, đóng góp vào doanh thu dịch vụ du lịch.

Dưới góc nhìn của mình, ông có thể cho biết niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào? Lĩnh vực đầu tư nào thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại nhất?

Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng leo lên chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của các hãng công nghệ lớn tại Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích những gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Bất chấp những thách thức thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong thu hút FDI có chất lượng. FDI vào lĩnh vực xanh đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới. Đặc biệt, vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất tính từ đầu năm đến nay đã vượt mức cả năm một cách đáng ngạc nhiên trong 3 năm vừa qua. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng cho Việt Nam nhìn thấy sự phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ quay đầu. FDI sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng và một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 12/12: Sớm có nhịp tăng mới? (11/12/2023)

>   SSI Research dự báo nhịp hồi phục của TTCK có thể được duy trì trong tháng 12 (11/12/2023)

>   Góc nhìn tuần 11 - 15/12: VN-Index có khả năng vào uptrend khi vượt 1,130 (10/12/2023)

>   Động lực tăng trưởng nào cho cổ phiếu PNJ, CTR và ADS? (11/12/2023)

>   ABS: Xác suất cao thị trường có nhịp hồi phục ngắn hạn thứ 2 trong những tuần đầu tháng 12 (10/12/2023)

>   Dòng tiền sẽ tiếp tục giúp thị trường hồi phục tháng cuối năm? (09/12/2023)

>   Khoản tiền cọc không quá 5% giá bán nhà sẽ thanh lọc chủ đầu tư ra sao? (11/12/2023)

>   Góc nhìn 08/12: Biến động mạnh? (07/12/2023)

>   Chứng khoán tháng 12 sẽ khó bứt phá? (07/12/2023)

>   VN-Index có thể vận động quanh 1,060-1,150 điểm trong tháng 12 (07/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật