Việt Nam phải làm chủ công nghệ chế biến đất hiếm “Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nên càng cần phải nghiên cứu sâu và dài hạn về công nghệ khai thác và chế biến tài nguyên này”, PGS.TS. Lê Bá Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ hiếm, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Công nghệ đất hiếm luôn cần cập nhật
KTSG: Liên quan tới việc “đánh thức” tiềm năng đất hiếm tại Việt Nam, theo các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”, hiện chỉ có ít nước nắm công nghệ chế biến sâu đất hiếm nhưng họ giữ bản quyền, không chuyển giao công nghệ. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này? Vậy Việt Nam có thể khai thác những thuận lợi nào để tăng cơ hội tiếp cận, hoàn thiện công nghệ?
PGS.TS. Lê Bá Thuận. |
– PGS. TS. Lê Bá Thuận: Trước hết phải khẳng định, không phải việc tìm hiểu, mong muốn nhận chuyển giao công nghệ nghĩa là bản thân chúng ta không có công nghệ. Công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm cũng như các loại công nghệ khác luôn phải tiếp tục được nghiên cứu để giảm chi phí đầu tư, thu nhận tối đa các kim loại hiếm và các thành phần quý hiếm trong quặng hay ứng dụng các công nghệ thân thiện, giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan tới môi trường… Chúng ta đã có công nghệ khai thác, chế biến, chúng ta cần tiếp tục cập nhật những loại công nghệ ngày càng được hoàn thiện và hiện đại hơn.
Vậy làm thế nào để thực hiện điều này? Chúng ta cần hợp tác với các nước có thế mạnh và truyền thống trong khai thác, chế biến đất hiếm, dưới dạng hợp tác khoa học kỹ thuật, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, hợp tác giữa các doanh nghiệp…
Trong chiến lược khai thác tài nguyên đất hiếm, một số nước thường chỉ chấp nhận hình thức liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến. Đây là một ràng buộc khiến đối tác nước ngoài tự nguyện chuyển giao công nghệ tốt, phù hợp với đặc điểm của từng mỏ đang khai thác và tạo cơ hội để doanh nghiệp nói riêng và nhân lực trong ngành đất hiếm tiếp thu công nghệ. Việt Nam cũng đang có quy định tương tự.
Hiện tại, Việt Nam đang được nhiều đối tác tiềm lực nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Úc… nhắm tới như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Đó cũng là một điều kiện thuận lợi cho chúng ta.
KTSG: Thưa ông, với đặc điểm khoáng vật tại các mỏ quặng đất hiếm Việt Nam, chúng ta có nên ưu tiên hướng tới công nghệ khai thác, chế biến của một số quốc gia cụ thể hay không?
– Đặt vấn đề như vậy thực ra là chưa phù hợp. Công nghệ chế biến đất hiếm được thể hiện qua một sơ đồ tương đối giống nhau, với những công đoạn bóc tách, tinh chế từ quặng oxit đất hiếm thành các kim loại đất hiếm riêng. Thế nhưng, như trên đã đề cập, mỗi mỏ đất hiếm có một đặc thù riêng. Bài toán cần giải đáp ở đây là phải nghiên cứu được một công nghệ phù hợp với điều kiện mỏ.
Công nghệ của Trung Quốc là một công nghệ tốt, nhiều nước đã tự nghiên cứu rồi chuyển sang nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Trung Quốc. Công nghệ của Mỹ cũng có những điểm chung với công nghệ Trung Quốc hay công nghệ Nhật Bản… Ngoài ra, luôn có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các nền sản xuất đất hiếm và có sự giao thoa nhất định về mặt công nghệ.
Trở lại với công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam, chúng ta không thể áp dụng 100% công nghệ của bất cứ quốc gia nào. Dựa trên cái nền công nghệ chung, chúng ta cần nghiên cứu nội địa, nhận diện và giải quyết các vấn đề, chọn ra công nghệ phù hợp với loại quặng, đặc điểm mỏ của Việt Nam.
Thời điểm vàng
KTSG: Có ý kiến cho rằng, dù thị trường đất hiếm trên thế giới đang có quy mô khá khiêm tốn, dưới 10 tỉ đô la Mỹ/năm, các phương án tái sử dụng và tìm các loại vật liệu thay thế cho đất hiếm đã bắt đầu được nghiên cứu, đồng nghĩa, muốn trở thành một quốc gia xuất khẩu đất hiếm lớn, Việt Nam không còn quá nhiều thời gian. Quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?
– Ý kiến nói trên là một trong những dự đoán được đưa ra dựa trên các số liệu hiện có. Điều cơ bản nhất cần quan tâm là chúng ta đang ở trong giai đoạn mà đất hiếm đang được coi là “vitamin” của các ngành công nghiệp mới. Nhu cầu đất hiếm ngày càng gia tăng, ngành công nghiệp đất hiếm đang phát triển nhanh chóng. Việc khai thác, chế biến đất hiếm ở thời điểm này cũng mang lại nguồn lợi nhuận nhất định cho các quốc gia sở hữu loại tài nguyên đặc biệt này.
Đối với Việt Nam, khi làm chủ được nguồn nguyên liệu đất hiếm, nền kinh tế trong nước sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thêm lợi thế so sánh để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu đất hiếm. Mặt khác, trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, việc khai thác và chế biến đất hiếm sẽ góp phần làm tăng tiếng nói, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
KTSG: Theo ông, các nhà quản lý nên đưa ra những chính sách, giải pháp thế nào để phát huy tiềm năng, thúc đẩy nền công nghiệp đất hiếm bền vững, hạn chế tối đa tác động tới môi trường?
– Trong ngành công nghiệp đất hiếm, có hai lĩnh vực, một là nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong các ngành sản xuất, hai là nghiên cứu khai thác, chế biến để cho ra thành phẩm đất hiếm làm nguyên liệu cho việc chế tạo sản phẩm, thiết bị ứng dụng… Theo quan điểm của tôi, ở lĩnh vực đầu tiên, nên để các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp đầu tư phát triển, tùy theo năng lực và nhu cầu của họ và yêu cầu của thị trường nghiên cứu phát triển.
Ở lĩnh vực thứ hai, thông qua hội thảo nêu trên, chúng tôi đã đề xuất nên thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ chế biến quặng đất hiếm Việt Nam.
Trung tâm này nhắm đến các mục đích, thứ nhất, để tiếp tục cải thiện công nghệ chế biến đất hiếm nội địa. Điều này rất cần thiết vì để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp đất hiếm trong nước, chúng ta phải làm chủ được công nghệ không chỉ ở quy mô pilot (quy mô phòng thí nghiệm – PV) mà ít nhất phải đạt được quy mô sản xuất nhỏ. Có vậy, đối tác mới có thể an tâm khi bỏ hàng triệu, hàng chục triệu đô la đầu tư thêm vào.
Đối với doanh nghiệp nội địa, hiện kinh phí đầu tư cho nghiên cứu công nghệ chế biến đất hiếm rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp muốn trông chờ vào việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài. Thế nhưng, không chỉ tự phát triển công nghệ mà nếu muốn trở thành một người mua hàng thông minh, phải đánh giá được công nghệ có tiên tiến và hiệu quả không, suất đầu tư, tác động môi trường như thế nào… Chưa kể, không phải lúc nào việc nhập khẩu công nghệ cũng được tiến hành trơn tru, thuận lợi. Với những công nghệ đối tác không muốn chuyển giao hoặc không thể chuyển giao do điều kiện khách quan, công nghệ tự phát triển, công nghệ lõi của người Việt Nam là không thể thiếu. Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nên càng cần phải nghiên cứu sâu và dài hạn về công nghệ khai thác và chế biến tài nguyên này.
Thứ hai, một trung tâm như vậy là nơi giới thiệu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước có quan tâm, để họ yên tâm hợp tác, nhận chuyển giao các công nghệ do trung tâm nghiên cứu, hoàn thiện.
Thứ ba, trung tâm này là cơ sở cho các hợp tác quốc tế trong công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đã có liên doanh với doanh nghiệp chủ mỏ cũng cần kiểm tra và giải quyết đặc thù của quặng, mỏ đất hiếm Việt Nam. Ngoài ra, các quốc gia thường tăng cường hợp tác khoa học công nghệ nhằm mở đường cho các doanh nghiệp của họ có cơ hội đầu tư.
Cuối cùng, trung tâm nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm là nơi trực tiếp đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Viện Công nghệ Xạ hiếm là nơi nghiên cứu về công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm đã được khoảng 30-40 năm. Nếu tiếp tục đầu tư vào viện, có chính sách khuyến khích việc hợp tác với doanh nghiệp, chúng ta sẽ nhanh chóng có nhà máy khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.
Cũng cần phải thấy rằng, số doanh nghiệp là chủ mỏ đất hiếm không nhiều, nếu đầu tư dàn trải sẽ rất lãng phí nguồn lực và chậm chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp chủ mỏ.
KTSG: Là người đi sau trong khai thác, chế biến đất hiếm, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, chẳng hạn Trung Quốc như thế nào, thưa ông?
– Để đi tới thành quả hôm nay, Trung Quốc đã có những bài học thất bại. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc khuyến khích phát triển ngành công nghiệp đất hiếm theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp, khai thác rầm rộ khiến giá đất hiếm giảm xuống đến mức dưới giá trị thực. Vấn đề môi trường cũng không được quản lý và giám sát chặt chẽ gây ra các hệ lụy. Hiện tại, ngoài khắc phục được các vấn đề về môi trường, Trung Quốc đã đưa giá đất hiếm về mức phù hợp, kiểm soát lượng xuất khẩu và có chiến lược dành lại nguồn tài nguyên cho tiêu dùng nội địa, với các sản phẩm Trung Quốc đang có thế mạnh toàn cầu như nam châm điện gió, pin ô tô điện. Việt Nam có thể học hỏi từ Trung Quốc, cũng như các nước phát triển Mỹ, Nhật Bản… những tri thức, kinh nghiệm có ích để phát triển tốt nhất ngành công nghiệp đất hiếm của mình.
Hoàng Hạnh TBKTSG
|