Vượt 'cơn gió ngược', nhiều công ty lãi cả ngàn tỉ Dù thị trường nhà đất đang trầm lắng nhưng vẫn có hơn 10 công ty bất động sản cho biết lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ đồng. Bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì mức lợi nhuận hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Xoay xở vượt qua khó khăn Kết thúc quý III năm nay, ông lớn trong ngành trang sức PNJ đã gần cán đích kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm. Các thách thức từ sức tiêu dùng bị thu hẹp cho đến đối diện các khoản chi phí tăng cao đều không làm khó được đại gia này. Hồi đầu năm, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, từng nhận định kinh doanh năm 2023 sẽ rất khó khăn do kinh tế toàn cầu bất ổn sẽ tác động không tích cực lên kinh tế Việt Nam (VN). Tuy nhiên, bằng cách đa dạng sản phẩm và tiếp cận khách hàng bằng nhiều phương thức sáng tạo nên số lượng khách hàng mới tăng trưởng tốt và số khách hàng hiện hữu quay lại đạt dự tính của công ty. Nhờ đó, mức giảm doanh thu bán lẻ công ty thấp hơn rất nhiều so với thị trường chung. “Đóng góp chung vào sự thành công của chúng tôi là sự hỗ trợ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ từ việc giảm, miễn thuế phí cho đến giảm lãi suất, điều hòa tỉ giá ổn định” - ông Thông cho biết. Sự tăng trưởng của các công ty mì ăn liền nhờ một phần vào giá lương thực ở nhiều nước tăng vọt do lạm phát. Ảnh: TÚ UYÊN | Vincom Retail cũng gần như vượt “cơn gió ngược” trước các sức ép trên thị trường bất động sản lẫn bán lẻ hiện nay. Riêng trong quý III-2023, Vincom Retail có mức tăng doanh thu 66% so với cùng kỳ, khi cán đích doanh số hơn 3.3000 tỉ đồng và lãi ròng 1.300 tỉ đồng. Điều này có được nhờ vào doanh số bán nhà và hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại thu hút người tiêu dùng rất lớn. Nếu xét về mặt thị phần, mì ăn liền Miliket rất nhỏ so với các đại gia mì hiện nay nhưng công ty vẫn lãi đều đặn qua từng quý và từng năm. Ví dụ kết thúc quý III-2023, biểu tượng mì hai con tôm cán đích với mức lãi ròng 6.600 tỉ đồng. Với mức lãi này đã kéo dài sự tăng trưởng lợi nhuận bền bỉ của thương hiệu này suốt một thập niên. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Khi tiếp xúc với cộng đồng DN tôi nhận thấy họ rất có ý thức trong việc khắc phục khó khăn và tìm ra hướng giải pháp mà không ỷ lại Chính phủ. Tuy nhiên, DN có được sự tăng trưởng cũng nhờ một phần từ đầu năm đến nay Chính phủ và Quốc hội đã thực thi và ban hành một số chính sách hỗ trợ DN cả về bằng thể chế và bằng tiền. Chẳng hạn, Chính phủ hỗ trợ người dân và DN thông qua các chính sách như miễn, giảm, gia hạn thuế và kéo dài các nghĩa vụ tài chính khoảng 150.000 tỉ đồng. Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội | Theo các chuyên gia phân tích của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, sự tăng trưởng của DN mì nhờ vào giá lương thực ở nhiều nước tăng vọt do lạm phát. Điều này đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mì ăn liền, một lựa chọn hợp túi tiền. Vinamilk cũng vừa cho biết lũy kế chín tháng năm nay, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 44.848 tỉ đồng và 6.669 tỉ đồng, hoàn thành 71% và 77% kế hoạch năm. Có được kết quả này là nhờ công ty triển khai nhiều giải pháp như hàng loạt sản phẩm sữa nước được “thay áo” để lan tỏa hiệu ứng, tái định vị thương hiệu. Vẫn còn sức ép phía trước Nhiều chuyên gia đánh giá trong ngắn hạn kinh tế VN vẫn còn gặp nhiều thách thức sẽ tác động không nhỏ lên hiệu quả kinh doanh của DN. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải không ngừng sáng tạo để vượt qua thách thức còn ở phía trước. Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, dự báo tăng trưởng GDP của VN sẽ chậm lại từ mức 8% vào năm ngoái xuống còn 4,7% vào năm nay. Nguyên nhân xuất khẩu và sản xuất sụt giảm do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm. Cụ thể, xuất khẩu của VN giảm gần 10% so với cùng kỳ trong chín tháng đầu năm, chủ yếu do xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, giảm gần 20%. Bên cạnh đó, tăng trưởng tiêu dùng trong nước gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái so với tốc độ tăng trưởng thông thường 8%-9% trước dịch COVID-19. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những thách thức đang diễn ra trên thị trường bất động sản và do xuất khẩu của VN sụt giảm, dẫn đến tình trạng một số nhà máy cắt giảm người lao động. Tuy vậy, lượng khách du lịch nước ngoài đã phục hồi trở lại, qua đó hỗ trợ kinh tế VN. “Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của VN sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của VN từ mức không tăng trưởng năm nay lên tăng trưởng 8%-9% vào năm sau” - ông Michael Kokalari dự báo. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về VN, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ mức tăng trưởng GDP năm 2023 của VN xuống 5%, từ mức 5,4% trước đó, phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đảm hơn. Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được tạm thời cải thiện nhưng thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, các tín hiệu phục hồi trong nước vẫn tiếp tục và có khả năng tăng mạnh hơn nữa nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh. Lĩnh vực xây dựng, lưu trú duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, trong khi đó sản xuất đã bắt đầu mở rộng. “Triển vọng kinh tế trung hạn vẫn đầy hứa hẹn nhờ độ mở và ổn định kinh tế của VN” - ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế VN, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định. Nhiều công ty lãi cả ngàn tỉ đồng Nhiều DN có mức tăng trưởng khá tốt dù đối diện với không ít thách thức. Ví dụ, sau chín tháng đầu năm, Tập đoàn Gelex đạt lợi nhuận trước thuế 1.388 tỉ đồng, vượt 9,2% kế hoạch năm nhờ cải thiện kinh doanh mảng thiết bị điện. Trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống, có thể thấy Kido Group đã có lãi gần 900 tỉ đồng sau chín tháng đầu năm. Thị trường chứng khoán dù có nhiều biến động trong năm 2023 nhưng các công ty chứng khoán như SSI, TCBS báo lãi lên đến con số ngàn tỉ đồng. Trong lĩnh vực ngân hàng, Vietcombank vừa công bố báo cáo cho thấy lũy kế chín tháng đầu năm đơn vị lãi trước thuế gần 30.000 tỉ đồng, tăng hơn 18% và tiếp tục giữ ngôi đầu lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý dù thị trường nhà đất đang trầm lắng nhưng có hơn 10 công ty bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đơn cử Novaland có lợi nhuận sau thuế đạt 136,7 tỉ đồng trong quý III-2023. | PHƯƠNG MINH Pháp luật TPHCM
|