Miếng bánh đất hiếm và lựa chọn của Việt Nam Quy mô thị trường đất hiếm đạt khoảng 9,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, dự kiến tăng lên mức 20,9 tỉ đô la vào năm 2028, với tỷ lệ tăng trưởng kép giai đoạn 2022-2028 là 14,04%/năm, theo Fortune Business Insights. Tuy nhiên, qua thời điểm 2050 của cam kết Net Zero, nhiều khả năng, nhu cầu đất hiếm sẽ giảm sút.
Trung Quốc đang làm chủ cuộc chơi đất hiếm
Theo số liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm của cả thế giới là 120 triệu tấn, trong đó, Trung Quốc đứng đầu – nắm giữ 44 triệu tấn, xếp thứ hai là Việt Nam (22 triệu tấn), rồi đến Brazil và Nga (cùng có 21 triệu tấn). Về sản lượng khai thác, trong năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu với 168.000 tấn, tiếp đến là Mỹ (43.000 tấn), Myanmar (26.000 tấn), Úc (22.000 tấn). Tổng sản lượng khai thác năm 2021 là 280.000 tấn, tăng 16% so với năm 2020, và với mức khai thác như năm 2021, phải hơn 4.000 năm, thế giới mới dùng cạn trữ lượng đất hiếm đang có.
Trên thị trường đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc đang là người chơi chính. Trong giai đoạn 2008-2018, Trung Quốc xuất khẩu gần 408.000 tấn đất hiếm, chiếm 42,3% tổng lượng xuất khẩu đất hiếm thời gian đó. Năm 2018, Trung Quốc cung ứng hơn 80% nhu cầu đất hiếm của Mỹ, con số tương ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc và EU lần lượt là 58%, 57,1% và 55%. Năm 2017, Mỹ mở lại mỏ đất hiếm Mountain Pass (vốn bị đóng cửa năm 2002 do thua lỗ), giúp nước này giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Tính chung giai đoạn 2017-2020, Mỹ nhập khẩu 78% nhu cầu hợp chất đất hiếm và kim loại từ Trung Quốc.
Con đường để Trung Quốc tiến tới vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực đất hiếm, như nhận xét của Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu tại hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng” tổ chức ngày 18-10-2023 tại Hà Nội, được thiết kế một cách rất bài bản. Khởi động việc khai thác đất hiếm với mục tiêu “đặt chân vào vũ đài thế giới” từ những năm 1985-1986, tới năm 1992, nước này xác định rõ “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm” và đẩy mạnh khai thác đất hiếm ở mỏ Bayan Obo (khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc). Năm 1997, Trung Quốc đưa ra chương trình tài trợ khai thác đất hiếm với mức tài trợ gần 1,5 triệu đô la cho các dự án. Đặc biệt, trong những năm 1990-2000, Trung Quốc đưa ra chính sách khiến các công ty nước ngoài liên doanh với công ty nội địa trong lĩnh vực khai thác đất hiếm và phải chia sẻ công nghệ cho phía Trung Quốc.
“Để có thể làm chủ được nguồn tài nguyên đất hiếm, cần triển khai xây dựng các dự án trong phòng thí nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến; nghiên cứu vấn đề đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác; nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm và ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế cao”, Giáo sư Nguyễn Quang Liêm khuyến nghị. |
Trước thời điểm 2010, Trung Quốc từng chiếm tới 90% sản lượng khai thác đất hiếm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tháng 10-2010, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo giảm 30% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào năm 2011, khiến giá đất hiếm lập đỉnh từ năm 2011-2013 và chỉ hạ nhiệt từ năm 2014. Cũng trong năm 2010, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản hai tháng. Tất cả những động thái tận dụng lợi thế thống lĩnh thị trường của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia tiêu thụ đất hiếm đặt ra vấn đề tìm nguồn cung thay thế.
Từng ngỏ lời với Việt Nam nhưng Nhật Bản lại quyết định chọn đối tác Lynas của Úc để hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm vào năm 2011. Doanh nghiệp Nhật đã đầu tư 250 triệu đô la vào Lynas, biến Lynas trở thành nhà cung cấp ngoài Trung Quốc lớn nhất, cung cấp một phần ba tổng lượng đất hiếm nhập khẩu của Nhật Bản. Về phía Mỹ, dù tái khởi động mỏ Mountain Pass vào năm 2017, sau khi quặng đất hiếm được khai thác và làm giàu vẫn phải chuyển sang Trung Quốc để tinh chế, bị Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu lên tới 25% năm 2019. Phía Mỹ đã có kế hoạch liên doanh với Lynas xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm ở Texas, hoạt động từ năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dự kiến cuối năm 2023 mới chính thức vận hành. Cũng trong xu hướng thoát phụ thuộc đất hiếm vào Trung Quốc, EU đẩy mạnh việc tái chế đất hiếm còn Hàn Quốc tìm các nhà cung cấp khác, tăng nhập khẩu từ Nhật Bản, đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới công nghệ để giảm tiêu thụ đất hiếm. Dù thế, số liệu năm 2019 cho thấy, Trung Quốc vẫn sản xuất 85% quặng ô xít đất hiếm và 90% kim loại hợp kim và nam châm đất hiếm toàn cầu.
Nhìn về tổng quan và tương lai của thị trường đất hiếm thế giới, Giáo sư Nguyễn Quang Liêm nhận định, nhu cầu một số loại đất hiếm như Neodymi (Nd), Praseodymi (Pr), Dysprosi (Dy), Terbi (Tb) làm nam châm vĩnh cửu cường độ cao ứng dụng trong các máy phát điện gió và động cơ ô tô điện… sẽ tăng nhanh trong khoảng hơn 20 năm tới, đến năm 2045-2050 để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, sau đó sẽ được bù bằng nguồn tái chế hoặc vật liệu thay thế khác.
Thận trọng “đánh thức” tiềm năng đất hiếm tại Việt Nam
Trữ lượng đất hiếm 22 triệu tấn cùng chính sách kinh tế cởi mở, thân thiện khiến Việt Nam được các nước như Mỹ, Hàn Quốc… nhắm đến như một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng đất hiếm, giảm sự phụ thuộc của các quốc gia nhập khẩu này vào thị trường Trung Quốc. Vậy nhưng, theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, đến nay, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài vẫn chưa có đề xuất, hợp tác cụ thể và trao đổi với các doanh nghiệp nội địa.
Xét về thực lực hiện tại, Việt Nam đã tiến hành khai thác nhỏ lẻ một số mỏ ở Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái nhưng chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu (phải có mức độ tinh chế từ 95% trở lên). Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp có khả năng chiết tách từng nguyên tố đất hiếm với nguyên liệu đầu vào là đất hiếm đã tinh chế, với độ tinh khiết lên đến 99% nhập khẩu từ Nga và Úc. Điều này đồng nghĩa, nếu muốn phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm.
Đầu tiên, theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nhiều khả năng, nhu cầu đất hiếm của thế giới sẽ giảm sút sau thời điểm năm 2050. Trong khi đó, cũng theo vị chuyên gia này, thời gian để triển khai một dự án khai thác đất hiếm với quy mô thương mại ở Việt Nam là không dưới 10 năm. Như vậy, chúng ta chỉ có khoảng gần 20 năm tham gia vào giai đoạn bùng nổ của thị trường đất hiếm toàn cầu. Đây là điều rất cần cân nhắc, làm căn cứ định ra những bước đi cụ thể khai thác tiềm năng đất hiếm tại Việt Nam.
Thứ hai, trong chuỗi cung ứng đất hiếm, phần mang lại lợi nhuận lớn nhất không nằm ở việc tạo ra đất hiếm tinh chế, với giá bán khoảng 100 đô la/ki lô gam mà nằm ở các sản phẩm công nghệ ứng dụng đất hiếm. Chẳng hạn, một turbine điện gió 2,5 MW cần nửa tấn đất hiếm, trị giá khoảng 50.000 đô la, trong khi giá bán một turbine điện gió loại này giao động từ 2-4 triệu đô la. Vậy nên, muốn việc khai thác khoáng sản đất hiếm mang lại giá trị cao nhất cho nền kinh tế, chúng ta phải cùng lúc xây dựng được các ngành công nghiệp sử dụng đất hiếm.
“Để có thể làm chủ được nguồn tài nguyên đất hiếm, cần triển khai xây dựng các dự án trong phòng thí nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến; nghiên cứu vấn đề đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác; nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm và ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế cao”, Giáo sư Nguyễn Quang Liêm khuyến nghị.
Tài liệu tham khảo về việc Trung Quốc thống lĩnh thị trường đất hiếm:
https://chinapower.csis.org/china-rare-earths
Khánh Nguyên TBKTSG
|