Kê biên hàng ngàn bất động sản của bà Trương Mỹ Lan Cơ quan điều tra đã thu hồi hàng ngàn tỉ đồng, hàng chục triệu đô la Mỹ; kê biên 1.237 bất động sản, một lượng lớn cổ phần và tài sản khác để khắc phục hậu quả vụ án bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, đề nghị truy tố 86 bị can. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ.
Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm với tổng số tiền thu giữ là gần 590 tỉ đồng và gần 15 triệu đô la Mỹ. Bà Lan khai số tiền 14,5 triệu đô la Mỹ trên là của bà và tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội trong vụ án.
Cao ốc Saigon One Tower là một trong những tài sản liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Minh Hoàng |
C03 cũng đã tạm giữ, kê biên tài sản là bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Trong đó, C03 tạm giữ 1.266 bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận công trình xây dựng, 1.784 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Cơ quan điều tra cũng kê biên 1.237 bất động sản; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can hoặc cá nhân đứng tên hộ các bị can; kê biên 857.561.259 cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bị can.
Ngoài ra cũng kê biên 137.763.300 cổ phần 5 công ty của các pháp nhân/cá nhân đứng tên hộ bà Trương Mỹ Lan; đã kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và bà Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) do các pháp nhân đứng tên.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đã tiến hành phong toả 43 tài khoản của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng, tổng số tiền phong toả là 1.896 tỉ đồng và gần 8,48 triệu đô la Mỹ.
C03 đã ngặn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỉ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Ngày 14-7-2023, cơ quan điều tra đã chặn số tiền trên trong tài khoản thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn của CTCP Sài Gòn Kim Cương, để bà Trương Mỹ Lan khắc phục số tiền đã chiếm đoạt trong vụ án.
Liên quan đến tài sản thế chấp cho các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại ngân hàng SCB, sau khi định giá lại cũng có sự thay đổi lớn về giá trị.
Theo kết luận điều tra, tính đến ngày 17-10-2022, tại SCB có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát. Tổng dư nợ tại thời điểm ngày đó là là 677.286 tỉ đồng, trong đó gồm 483.917 tỉ đồng nợ gốc, 193.315 tỉ đồng nợ lãi, thuộc nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, công ty kiểm toán độc lập và công ty thẩm định giá đã được thuê để thực hiện đánh giá tổng thể thực trạng Ngân hàng SCB và định giá các tài sản tại SCB.
Liên quan đến các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay có giá trị theo sổ sách là 1.265.504 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỉ đồng. Số còn lại không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỉ đồng. Lý do là các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.
Trong số 726 tài sản nói trên, có 517 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để đươc tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc hơp đồng thế chấp/cầm cố là 179.196 tỉ đồng.
Hơn 200 mã tài sản còn lại không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, họp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định…), do vậy SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.
V.Dũng TBKTSG
|