Giá gạo Việt Nam lập đỉnh mới, bỏ xa đối thủ Thái Lan, Pakistan Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã lập đỉnh mới lên mức 663 USD/tấn trong phiên giao dịch tuần qua. Sau khi lập đỉnh trong phiên giao dịch 21-11, ngay ngày hôm sau, giá gạo của Việt Nam giảm nhẹ 5 USD/tấn. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 22-11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 658 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 643 USD/tấn. Dù giảm nhẹ, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn đang bỏ xa giá gạo của Thái Lan, Pakistan. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan đang giao dịch quanh mức 590 USD/tấn, gạo 25% tấm là 546 USD/tấn; còn gạo của Pakistan tương tự ở mức 583 USD và 503 USD/tấn. Trao đổi với PLO, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đánh giá, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục. Mức giá này sẽ vừa là lợi thế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Vũ Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Đại Dương, đơn vị chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, cho hay với mức giá cao như hiện nay, trong khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo thì hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không đánh giá đúng thị trường, ồ ạt mua gom thì chỉ cần Ấn Độ đột xuất mở cửa xuất khẩu gạo trở lại thì các doanh nghiệp ôm hàng sẽ không kịp trở tay. Gạo thơm ST 25 được bày bán tại siêu thị. Ảnh: AH | “Khoảng đầu tháng 12, một tập đoàn từ Trung Quốc sẽ sang ký hợp đồng nhập khẩu gạo nhưng chúng tôi vẫn đang phải cân nhắc, đánh giá kỹ càng. Nếu ký hợp đồng thì các phương diện từ mức độ tiêu thụ, giá cả… sẽ phải chốt với nhau rõ ràng ngay từ đầu” - Tổng giám đốc của Công ty Đại Dương cho hay. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tạo ra mặt bằng giá mới, nhiều khả năng ổn định quanh mức 600 USD/tấn. Giá gạo của Thái Lan cũng quanh mức này. “Việc tạo ra mặt bằng giá mới quanh mức 600 USD/tấn là hoàn toàn có thể. Giá gạo liên tục tăng, chi phí sản xuất cũng tăng, nguồn cung lúa gạo thì giảm. Những yếu tố đó tạo cơ sở cho giá gạo thiết lập mặt bằng giá mới như hiện nay” - ông Nam cho hay. Ông Nam đánh giá giá gạo của Việt Nam ngày càng cao so với các nước và điều chúng ta làm được là Việt Nam luôn coi việc xuất khẩu là mục tiêu. Vì vậy khi trồng, chúng ta luôn tìm những sản phẩm khác biệt, chất lượng tốt để tạo ra giá trị cao hơn. “Hiện nay các nhà khoa học, người nông dân đều đang định hướng như vậy. Tôi cho rằng đó là thế mạnh mà Bộ NN&PTNT cần quan tâm, coi sức mạnh của ngành lúa gạo Việt Nam là thương mại hoá. Giờ chúng ta phải nghĩ đến cho an ninh lương thực toàn cầu, không phải riêng Việt Nam nữa” - ông Nam nhấn mạnh. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-11, Việt Nam xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo, giá trị ước khoảng 4,16 tỉ USD. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, năm nay nước ta có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo đạt 4,5 tỉ USD. | AN HIỀN Pháp luật TPHCM
|