Miền Trung và bài toán thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào công nghệ cao Buổi hội thảo mở rộng hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam tại khu vực miền Trung diễn ra chiều ngày 24-11 gợi mở ra nhiều vấn đề để có thể thu hút hiệu quả đầu tư từ xứ sở kim chi.
Theo ông Kang Boo Sung, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cho biết trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 7-2023, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỉ đô la Mỹ. Riêng năm 2023, vốn đầu tư mới từ xứ sở kim chi vào Việt Nam là 2,3 tỉ đô la Mỹ.
Có khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Lâu nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tập trung nhiều ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, nhờ chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực và hoạt động thu hút đầu tư của các địa phương, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu mở rộng đầu tư tại khu vực miền Trung.
Phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao
Tại sự kiện, lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã giới thiệu môi trường đầu tư cùng tiềm năng phát triển của mỗi khu vực. Điểm chung cả 4 tỉnh, thành này đều đang hướng đến phát triển khu công nghiệp, công nghệ cao, cảng biển bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển du lịch nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng văn hoá, di sản sẵn có.
Lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia hội thảo. Ảnh: Quỳnh Như |
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết “Bên cạnh dự kiến quy hoạch, phát triển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, cảng Liên Chiểu hướng đến logistics và hậu cần thì trong thời gian đến thành phố đang xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp và công nghệ cao, đặc biệt tại khu mới chúng tôi đang phát triển tại Hoà Ninh, Hoà Nhơn và Hoà Cầm”.
Trong khi đó, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm, đẩy mạnh phát triển trong thời gian đến. Đến nay, thành phố có 268 dự án từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 362 triệu đô la Mỹ. Hiện một trong năm linh vực ưu tiên phát triển là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Có mặt tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Hầu hết các dự án đầu tư vào Quảng Nam đều gặt hái thành công, đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 193 dự án FDI đang triển khai với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỉ đô la Mỹ. Trong thời gian đến, Quảng Nam định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang thành khu công nghiệp kinh tế tổng hợp để đón đầu các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc”.
Cái khó của các nhà đầu tư quốc tế
Lắng nghe chia sẻ từ các đại diện khu vực miền Trung, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đưa ra ý kiến hiện nay xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc rơi vào 5 lĩnh vực là công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo mới, y tế, giáo dục và sản xuất công nghệ cao.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ gặp không ít khó khăn bởi hàng rào thủ tục pháp lý, chịu áp lực bởi thuế thu nhập doanh nghiệp cùng tiền thuê đất, thời hạn cấp thị thực cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như khâu tuyển dụng và quản lý nhân sự.
Nhà hàng Hàn Quốc tại Đà Nẵng. Phía doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng Đà Nẵng và các tỉnh thành khác còn thiếu cơ sở hạ tầng cũng như khu giải trí đặc thù về văn hoá – xã hội. Ảnh: Nhân Tâm |
Sau hơn 5 năm hoạt động và đầu tư tại khu vực miền Trung, ông Lee Sung Hoon, Tổng Giám đốc Công ty CTR Vina (Chuyên sản xuất và cung cấp các linh kiện ô tô), nhận thấy hệ sinh thái các công ty hợp tác với nhau còn hạn chế. Do đó, công ty ông hầu như phải nhập nguyên vật liệu từ Hàn Quốc. Thêm vào đó, số chuyến tàu đi từ cảng biển vẫn còn ít nên nhiều nhà đầu tư sẽ gặp hạn chế về khâu vận chuyển.
Ngoài ra, tại CTR Vina, những vị trí chủ chốt sẽ do người Hàn Quốc đảm nhận. Tuy nhiên, những người Hàn Quốc còn e ngại khi làm việc tại đây. Một phần nguyên nhân do hệ thống giao thông công cộng không thuận tiện, cùng với hệ thống giáo dục quốc tế dành cho người Hàn còn ít.
Thêm vào đó, nhu cầu sau giờ làm được cho là không đáp ứng được giới trẻ Hàn Quốc. Họ cho rằng tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung thiếu cơ sở hạ tầng về văn hoá xã hội, các khu giải trí về văn hoá.
Thu hút FDI: cân bằng giữa ưu đãi và chọn lọc
Về những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Choi Kyu Chul, Tổng Giám đốc ADAM Association, cần tìm ra chiến lược phát triển cộng sinh cho các địa phương lân cận nhằm tạo hiểu quả kinh tế tối đa.
“Đà Nẵng có tỷ trọng phát triển cao, nhất là ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, sau dịch Covid thì lượng khách Hàn Quốc đến với Đà Nẵng vẫn cao, tuy nhiên không có sự tăng trưởng đột phá. Do người Hàn Quốc hiện nay có xu hướng đi du lịch ở Nha Trang theo đoàn vì có thể kết hợp đi Đà Lạt. Đó là lý do các địa phương cần liên kết với nhau không chỉ về mảng du lịch mà còn ở các khối ngành khác nhằm bù đắp, tương trợ cho nhau để cùng nhau đi lên”, ông Kyu Chu cho biết thêm.
Theo ghi nhận tại sự kiện, trong thời gian tới các địa phương đã lên kế hoạch phát triển theo hướng công nghiệp tuần hoàn, đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột ngành kinh tế. Đồng thời, ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có lượng tri thức cao, tự động hoá, giá trị gia tăng cao, đóng ngân sách lớn và không gây ô nhiễm môi trường.
Quỳnh Như TBKTSG
|