Thứ Bảy, 25/11/2023 15:52

Tìm giải pháp gỡ bế tắc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc

Các cơ quan chức năng đang tìm hướng gỡ vướng về thủ tục trong xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc.

Ngày 25-11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam. .

Hội nghị nóng lên khi các đại biểu là người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm bông đề cập đến sự bế tắc trong xuất khẩu của loại hải sản nuôi có giá trị kinh tế cao này.

Hàng trăm tấn tôm hùm bông đang tồn đọng, người nuôi có nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần. Ảnh: XUÂN HOÁT

Hàng trăm tấn tôm hùm bông đang tồn đọng, người nuôi có nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần. Ảnh: XUÂN HOÁT

Điêu đứng vì tôm hùm bông không thể xuất khẩu

Theo ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đơn vị này đang tồn hơn 100 tấn tôm hùm bông thương phẩm chưa biết bán cho ai, bán đi đâu.

“32 xã viên hợp tác xã đứng ngồi không yên hơn hai tháng nay vì tôm không bán được, nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần đang hiện ra trước mắt. Người nuôi như chúng tôi cần thông tin vì sao tôm ứ đọng, hướng giải quyết của cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp bộ như thế nào'- ông Thái nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, chủ vựa mua tôm hùm ở Khánh Hòa, nói: “Tôi đã hơn 30 năm theo con tôm hùm chưa khi nào khó khăn như hiện nay. Tôm không bán tôm được làm sao có tiền mua đồ cho tôm ăn. Vay nhà nước thì đã vay rồi, không cho vay thêm nữa. Đi vay ở ngoài lãi suất cao, nhưng họ ra điều kiện khi nào tôm xuất khẩu được mới cho vay”.

Bà Quyên nói nếu đổ hết lỗi cho người nuôi như nuôi không đúng cách, nuôi ngoài vùng quy hoạch khiến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ khó khăn là chưa thỏa đáng.

Xuất khẩu tôm hùm bông đang "kẹt" ở đâu?

Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ năm 2023, Trung Quốc áp dụng biện pháp quản lý tôm hùm có sự thay đổi. Theo đó, tôm hùm nuôi được định nghĩa phải bắt nguồn từ con giống F2; nếu khai thác tự nhiên sẽ bị áp dụng các điều khắt khe về nhập khẩu động vật hoang dã.

Ông Lê Bá Anh cho biết Trung Quốc chiếm đến 99% thị phần xuất khẩu tôm hùm tươi sống của Việt Nam. Ảnh: MH

Ông Lê Bá Anh cho biết Trung Quốc chiếm đến 99% thị phần xuất khẩu tôm hùm tươi sống của Việt Nam. Ảnh: MH

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng- chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cho biết Trung Quốc đang chiếm đến 98-99% thị trường xuất khẩu tôm hùm tươi sống của Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, tôm hùm của Việt Nam vẫn xuất đi các nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng rất ít.

Trung Quốc đã liệt tôm bông vào danh sách loài quý hiếm, cần bảo vệ. Việt Nam cũng liệt loài này vào nhóm II, danh mục thủy sản nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ như Trung Quốc.

Từ tháng 8-2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bắt đầu ách tắc. Cục Chất lượng- chế biến và phát triển thị trường liên tục gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Vụ kiểm dịch động thực vật, Hải quan Nam Ninh, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhằm phối hợp, cập nhật những thông tin liên quan đến tôm hùm bông.

Ngày 10-11, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, các vụ liên quan họp với Cục Hải quan Trung Quốc. "Phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải chứng minh tôm hùm nuôi thì phải có truy xuất, chứng minh không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi như thế nào, nếu con giống khai thác từ tự nhiên thì cũng được coi là khai thác từ tự nhiên, không được coi là tôm hùm nuôi”- ông Anh thông tin.

Cũng theo ông Anh, Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp nước họ muốn nhập khẩu các loài động vật hoang dã, trong đó có tôm hùm bông, phải xin giấy phép của Cục ngư nghiệp Bộ NN Trung Quốc về nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến động vật hoang dã.

“Theo tôi nắm đến nay chưa có nhà nhập khẩu nào của Trung Quốc xin được giấy phép này. Nếu chúng ta có nhu cầu, có đầy đủ thủ tục về nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu, mà doanh nghiệp Trung Quốc không xin được giấy phép thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”- ông Anh nói.

Từng bước gỡ thủ tục với Trung Quốc

Ông Lê Bá Anh kiến nghị Cục thủy sản có ý kiến cho các địa phương hướng dẫn cơ sở nuôi, lượng nuôi của từng loài, phương thức nuôi, nguồn giống để cung cấp cho hải quan Trung Quốc; Cục Chế biến chất lượng thị trường hướng dẫn kê khai thông tin theo biểu mẫu của Trung Quốc.

Tôm hùm bông tồn đọng, rớt giá khiến người nuôi lao đao. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tôm hùm bông tồn đọng, rớt giá khiến người nuôi lao đao. Ảnh: XUÂN HOÁT

“Đề nghị Cục thủy sản trao đổi song phương với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để làm rõ thêm về danh mục, đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm, phương thức kiểm soát của Trung Quốc, để hướng dẫn cho sản phẩm tôm hùm bông. Qua đó, chủ động hướng dẫn đối với mặt hàng thủy sản khác thuộc danh sách này”- ông Anh đề nghị.

Hiện Bộ NN&PTNT đang xúc tiến, thúc đẩy với phía Trung Quốc để ký kết nghị định thư về xuất khẩu hải sản khai thác tự nhiên, hải sản sống.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp địa phương tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017.

Theo đó, phải thực hiện các thủ tục điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.

“Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra, hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc”- ông Tiến yêu cầu.

Xuân Hoát

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Trà Vinh ra mắt tour du lịch canh nông đầu tiên (25/11/2023)

>   EVN sắp được nhận 2 nhà máy điện khí nước ngoài chuyển giao (25/11/2023)

>   Bắt trend livestream chốt ngàn đơn hàng: tiềm năng và thách thức (25/11/2023)

>   Đà Nẵng trao loạt chứng nhận đầu tư, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng (25/11/2023)

>   TP.HCM: Thu hút khách du lịch bằng các giải đấu golf (25/11/2023)

>   ChatGPT trên tiến trình cá nhân hóa (25/11/2023)

>   Black Friday: Nơi dùng robot, nơi tặng lẩu 0 đồng để hút khách (25/11/2023)

>   Mặt hàng nào sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế đánh thuế carbon của châu Âu? (25/11/2023)

>   Lợi nhuận nông dân trồng lúa giảm hơn so với 10 năm trước: vì sao? (25/11/2023)

>   Điêu đứng vì hàng trăm tấn tôm hùm bông ế khi mùa bão cận kề (25/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật