Xuất khẩu điện thoại bị soán ‘ngôi vương’ về giá trị Sau nhiều năm liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, điện thoại và linh kiện trong những tháng qua đã bị truất “ngôi vương”. Theo số liệu thống kê, nhóm hàng hóa máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 6 tháng qua liên tục vươn lên dẫn đầu về giá trị xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, cũng giống như điện thoại, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng hóa máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại.
Lắp ráp linh kiện điện tử dùng cho ngành máy in tại Công ty TNHH công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam ở Khu công nghiệp An Dương (Hải Phòng). Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo số liệu cập nhật sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11 này, xuất khẩu của nhóm hàng hóa máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện mang về thêm 2,42 tỉ đô la kim ngạch, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đến ngày 15-11 vừa qua là 48,94 tỉ đô la, trở thành nhóm hàng hóa có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay.
Kết quả này cũng đánh dấu xuất khẩu nhóm mặt hàng này chuyển sang tăng trưởng dương sau khi bị âm 150 triêu đô la khi kết thúc tháng 10 vừa qua (đạt kim ngạch 46,52 tỉ đô la, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Như vậy, đến thời điểm này, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đang tạm dẫn đầu giá trị xuất khẩu, vượt “ngôi vương” giá trị xuất khẩu của nhóm điện thoại và linh kiện điện thoại trong nhiều năm qua.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nhóm hàng hóa máy tính, điện tử và linh kiện vượt nhóm hàng hóa điện thoại và linh kiện về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, từ tháng 5- 2023 đến nay, liên tiếp tháng nào xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện cũng dẫn đầu kim ngạch, và hiện nhóm mặt hàng này đã tăng trưởng dương.
Theo thống kê của cơ quan hải quan trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, EU. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ nhập khẩu nhóm hàng hóa này của nền kinh tế gần 100 triệu dân nhiều nhất với 13,5 tỉ đô la (tăng 2%); Trung Quốc là 11 tỉ đô la (tăng 11,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, khu vực EU (27 nước) là 4,92 tỉ đô la (giảm 18%); hya Hồng Kông là 4,17 tỉ đô la (giảm 17,3%) so với cùng kỳ năm trước. |
Tuy nhiên, cũng giống như điện thoại, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng hóa máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại. Các nhà đầu tư này phần lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Sự tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp thuần Việt còn ít và giá trị không cao.
Đáng chú ý là các hãng sản xuất máy tính, điện tử, linh kiện nước ngoài phần lớn chọn các tỉnh miền Bắc làm nơi sản xuất vì khu vực này có lợi về cả địa lý và nguồn lao động.
Về mặt địa lý, theo các chuyên gia, Việt Nam tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc nên thuận tiện cho việc vận chuyển linh kiện.
Về mặt lao động, các nhà sản xuất có thể sản xuất ngay máy tính xách tay tại Việt Nam vì cả chính quyền địa phương và lực lượng lao động đều khá quen thuộc với ngành lắp ráp điện tử và có sự hỗ trợ đáng kể.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1-1-2023 đến 15-11-2023 và cùng kỳ năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Hải quan) |
Foxconn và Compal… nằm trong số những công ty thành lập nhà máy sớm nhất tại Việt Nam. Đáng chú ý, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nổ ra và leo thang, các nhà máy thương hiệu Mỹ mới ngày càng tích cực tìm kiếm nhiều địa điểm khác để đặt cơ sở sản xuất. Việt Nam một lần nữa trở thành một địa điểm được nhiều bên lựa chọn để mở nhà máy.
Trong số các thương hiệu máy tính xách tay của Mỹ tìm đến Việt Nam để sản xuất, Dell và Apple là tích cực nhất khi các đơn vị liên kết với họ tìm đến Việt Nam khá sớm. Các hãng chủ yếu phục vụ linh kiện cho Dell là Compal và Wistron còn Apple thì lấy thiết bị đầu vào từ Foxconn và Quanta.
Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền tỉnh Nam Định đã hoàn tất việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính” tại KCN Mỹ Thuận cho nhà đầu tư Quanta Computer Inc (Đài Loan). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu đô la nhằm sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn; công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm. Theo kế hoạch, dự án nhà máy này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm tới, sẽ đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện của Việt Nam trong những năm tới.
Trong khi đó, nhóm hàng hóa điện thoại và linh kiện sau nhiều năm liên tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, thì hiện đang tạm lùi về vị trí thứ 2.
Cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đến ngày 15-11 vừa qua đạt 46,23 tỉ đô la, giảm 6,52 tỉ đô la (tương ứng giảm 12,4%) so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn giá trị xuât khẩu của máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,71 tỉ đô la.
Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm mốc 600 tỉ đô la
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-11-2023 đạt 587,68 tỉ đô la Mỹ, giảm 9%, tương ứng giảm 58,27 tỉ đô la về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 306,06 tỉ đô la, giảm 6,4% tương ứng giảm 20,96 tỉ đô la; tổng trị giá nhập khẩu đạt 281,62 tỉ đô la, giảm 11,7% (tương ứng giảm 37,32 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,44 tỉ đô la.
|
Lê Hoàng TBKTSG
|