Có hiện tượng mua heo trọng lượng khủng về 'gột' rồi bán Nhu cầu tiêu thụ thịt cuối năm và Tết Nguyên đán có thể tăng từ 10-15%, nhưng giá cả sẽ không biến động lớn, do nguồn cung dồi dào. Dự báo về thị trường, giá cả cũng như dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán đã được các đơn vị của Bộ NN&PTNT đưa ra trong hội nghị sáng nay, 3-11. Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tính đến nay, tổng số đàn heo cả nước tăng khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt 3,6 triệu tấn. Tổng số gia cầm trên cả nước tiếp tục tăng 2,9%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 14,2 tỉ quả, tăng 5,6%. Sản lượng thịt bò, sữa cũng tăng nhẹ. “Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ thì cơ bản nguồn cung dịp cuối năm sẽ ổn định, cân đối cung - cầu đảm bảo, không bị thiếu hụt thực phẩm” - ông Đăng nhận định. Thịt heo được bày bán trong siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: AH | Đại diện Cục Chăn nuôi dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi vào dịp cuối năm, chủ yếu là Tết Nguyên đán, có thể tăng từ 10-15% so với các tháng khác trong năm. Giá thịt heo, thịt gia cầm cũng có thể tăng nhẹ vào dịp này, nhưng không tăng đột biến mà ổn định như diễn cùng kỳ năm trước. Tiếp tục chia sẻ, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, vừa qua khi giá heo bắt đầu tăng lên, tại một số địa phương đã có hiện tượng nhập heo về “gột”, tức vỗ béo rồi bán. “Nếu trước đây chủ yếu là nhập heo choai về gột thì bây giờ tại một số nơi có hiện tượng nhập heo với trọng lượng lớn, thậm chí 100kg, về nuôi khoảng 15-20 ngày rồi bán. Nếu chúng ta cứ để tình trạng này tái diễn sẽ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh” - ông Đăng nói. Về công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 481 ổ dịch tả heo châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy hơn 18.000 con heo. Nhiều tỉnh dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng như Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Đắk Lắk... Hiện cả nước còn 107 xã ở 23 tỉnh có dịch đang lưu hành. Vì vậy, nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng ở nhiều nơi trên cả nước trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi. “Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7-2023, nhưng đến nay số lượng sử dụng còn hạn chế. Nguyên nhân là do một số địa phương, chủ nuôi heo chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn heo” - đại diện Cục Thú y cho hay. AN HIỀN Pháp luật TPHCM
|