Thị trường thiết bị vệ sinh cuối năm: Nỗi lo thật giả lẫn lộn Giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được quảng cáo sản xuất theo tiêu chuẩn, công nghệ hàng đầu thế giới là cách thiết bị vệ sinh sứ kém chất lượng tiếp cận người tiêu dùng và xâm chiếm thị trường nội địa.
Trả giá đắt vì hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Dành nhiều ngày để vòng quanh các cửa hàng phân phối thiết bị vệ sinh ở TPHCM, anh Danh “chóng mặt” bởi những lời quảng cáo, giới thiệu của nhân viên cửa hàng. Sản phẩm, tem mác giống nhau, nhưng tại một số cửa hàng giới thiệu là hàng nhập khẩu được sản xuất theo công nghệ mới nhất, trong khi nhân viên showroom khác lại khẳng định là sản phẩm của một thương hiệu uy tín khác trên thị trường…
“Khi hỏi đến các loại giấy tờ bảo hành thì không có câu trả lời rõ ràng. Đặc biệt các thương hiệu này nghe khá lạ tai, hầu như tôi chưa từng biết tới được bày bán với giá khá rẻ, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng cho một “combo” thiết bị vệ sinh”, anh Danh chia sẻ.
Anh Bình (quận 1, TPHCM) cũng dành thời gian tìm hiểu thiết bị vệ sinh trước khi “xuống tiền”. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm sử dụng, anh mất hàng chục triệu đồng vì tin lời người bán hàng tư vấn. Khi tư vấn, nhân viên cửa hàng giới thiệu cho anh các mặt hàng nhập khẩu, đạt tiêu chuẩn quốc tế từ các nước lớn… đa dạng kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc và đặc biệt là giá siêu rẻ.
Các cửa hàng phân phối bày bán các thiết bị vệ sinh thật giả lẫn lộn, gây khó khăn cho người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt và sử dụng một thời gian ngắn, các thiết bị nhanh chóng xuống cấp, thiếu chắc chắn và liên tục hỏng hóc gây cản trở cho vấn đề sinh hoạt của gia đình. Gọi điện đến cửa hàng để yêu cầu bảo hành luôn nhận được lời xin lỗi vì không có sẵn phụ kiện thay thế, tiến độ bảo hành chậm chạp…
Đại diện Viện nghiên cứu và phát triển Viglacera (R&D) cho biết, việc người tiêu dùng mua phải sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ dẫn đến gặp khó khăn, bất tiện khi sử dụng và bảo hành là hiện tượng phổ biến trên thị trường.
Các chủ cửa hàng chưa thực sự nắm rõ thông tin sản phẩm tạo cơ hội cho các thiết bị vệ sinh kém chất lượng đến với người tiêu dùng. |
Tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn thiết bị vệ sinh
Nhận định về thị trường thiết bị vệ sinh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng tiêu dùng do không đảm bảo các tiêu chuẩn khi nhập khẩu, nhập nhèm trong vấn đề bảo hành. Trong khi các thương hiệu thiết bị vệ sinh nội địa phải thông qua nhiều khâu kiểm định trước khi bán ra thị trường thì các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gần như không bị áp tiêu chuẩn gì khi nhập khẩu. Nguyên nhân là do hoạt động thương mại qua biên giới hiện nay khá tự do, khó kiểm soát.
KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế – Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt) cho biết, hầu hết các thương hiệu đều bị làm giả. Thiết bị vệ sinh sứ trôi nổi trên thị trường được làm giả nhãn mác, ngoại hình đa dạng, bắt mắt nên dễ được khách hàng tin tưởng.
Thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ được gắn nhiều tem mác. |
“Cùng một mẫu mã, nhưng lại dán nhãn mác nhiều thương hiệu khác nhau. Tem nhãn dán trên sản phẩm rất nhiều, màu nổi bật, đa phần là màu đỏ hoặc các thiết bị vệ sinh có nhiều màu sắc, điển hình như màu đen, vàng… và hoa văn, phần lớn đều là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng và đưa đến người tiêu dùng”, anh Hải chia sẻ.
Không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, sử dụng thiết bị vệ sinh trôi nổi còn mang tới nhiều rủi ro khó lường đến sức khỏe người tiêu dùng bởi dễ bay màu, bị rò rỉ nước, bám cặn, thậm chí nứt vỡ khi đang sử dụng. Các chuyên gia khuyến cáo, người mua cần cẩn trọng trong vấn đề lựa chọn, trang bị kiến thức cần thiết về các thiết bị vệ sinh, tránh mua nhầm sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hòa Trần TBKTSG
|