Thứ Sáu, 03/11/2023 10:02

Nhân lực cho ngành bán dẫn: Hãy học từ mô hình của Đài Loan

Ngành bán dẫn toàn cầu có tốc độ tăng trưởng từ 6-8%/năm và dự kiến giá trị toàn ngành lên đến 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Các công ty bán dẫn đang sẵn sàng chào đón nhân tài toàn cầu trong lĩnh vực này, là cơ hội lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực diễn ra khắp nơi

Tại Đài Loan, theo ghi nhận của tờ Taiwan Times, các doanh nghiệp thiết kế và sản xuất chip bán dẫn tại vùng lãnh thổ này đang gặp vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, khiến họ phải giảm bớt yêu cầu về kỹ năng công việc và các yếu tố khác (giới tính, sức khỏe, độ tuổi…) để thu hút thêm lao động nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Trung Quốc. Sự khan hiếm lao động đã làm mức lương ngành bán dẫn tại quốc gia này tăng chóng mặt, gần như gấp đôi chỉ trong vòng năm năm gần đây, theo một bài viết đăng trên tờ Reuters.

Nhiều công ty thực hiện chiến lược đa dạng hóa địa lý để giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng cũng gặp thách thức do vấn đề nhân lực. Cụ thể tại Mỹ, nhà máy của TSMC đặt tại bang Arizona đang bị chậm tiến độ hơn một năm so với kế hoạch do thiếu hụt lao động. Để giải quyết vấn đề, TSMC đã gửi hơn 500 kỹ sư từ Đài Loan đến nhà máy ở bang Arizona để đẩy nhanh quá trình vận hành.

Như vậy có thể thấy tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam.

Làn sóng tuyển dụng nhân lực bán dẫn trên toàn cầu

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn không chỉ dừng lại ở đó. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Tencent… hay các nhà sản xuất ô tô như Tesla hay Ford cũng đang lấn sân sang mảng thiết kế chip để tăng cường tính chủ động.

Con đường đi đến làm chủ công nghệ bán dẫn của Việt Nam là một hành trình lâu dài và bền bỉ, trong đó thế hệ trẻ là nhân tố quyết định. Chính vì vậy, nhất thiết phải có những định hướng giáo dục đúng đắn từ các bậc học thấp nhất.

Nhân lực trong ngành bán dẫn còn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các ngành nghề công nghệ cao khác đang phát triển nhanh chóng như trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông…Chính vì vậy mà cuộc đua giành nhân lực chất lượng cao đang ngày càng trở nên áp lực hơn trên phạm vi toàn cầu, cả trong nội bộ ngành bán dẫn và giữa các ngành công nghệ cao.

Trong bối cảnh cuộc đua tuyển dụng diễn ra gay gắt, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và mở rộng cơ hội tại những quốc gia có tiềm năng. Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành bán dẫn, mà còn tạo điều kiện cho các nhân tài trẻ từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội học hỏi và phát triển.

Cuối tháng 9-2023 vừa qua, Cục Phát triển công nghiệp (IDB) thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan dẫn đầu đoàn công tác cùng sáu công ty bán dẫn (ASE, Mediatek, Nanya Tech, Realtek, Micron và Ardentec) và sáu trường đại học công nghệ đã tổ chức chương trình tuyển dụng ứng viên tiềm năng cho ngành bán dẫn tại Indonesia và Việt Nam sang Đài Loan học tập và làm việc với chế độ lương thưởng và phúc lợi hấp dẫn.

Cụ thể, với công ty ASE mức lương khởi điểm cho vị trí kỹ sư quy trình (process engineer) và kỹ sư phần mềm (software engineer) là 1.500 đô la Mỹ. Đối với những ứng viên đã tốt nghiệp thạc sĩ và cam kết làm việc trong hai năm, sẽ nhận thêm hỗ trợ ban đầu là 100.000 đài tệ (khoảng 3.000 đô la Mỹ). Còn các ứng viên tốt nghiệp đại học, ASE sẽ tài trợ 200.000 đài tệ để hoàn thành chương trình thạc sĩ và sau đó phải cam kết làm việc cho công ty hai năm.

Hoạt động này của Đài Loan cho thấy một sự chung tay rất lớn từ chính quyền cho đến đại học và doanh nghiệp. Họ đang nỗ lực thu hút nhân lực chất lượng cao khắp nơi trên thế giới về Đài Loan để tìm hướng ra cho tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành bán dẫn.

Đào tạo nhưng không thể thiếu vai trò của nhà nước và doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều đại học, trường đại học trong nước đã bắt đầu mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn, điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, trường Đại học FPT…, là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ sở đào tạo có sự đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường. Đây sẽ là những lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam. Song song đó, để quá trình đào tạo nguồn nhân lực có hiệu quả thì nhất thiết phải nghiên cứu mô hình đào tạo nào là phù hợp đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển chiến lược ngành bán dẫn Việt Nam.

Nhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, như ở Trung Quốc, có rất nhiều đại học đào tạo ngành bán dẫn, nhưng việc liên kết đào tạo giữa đại học với doanh nghiệp còn khá hạn chế nên đa phần sinh viên tốt nghiệp không được trải nghiệm thực tiễn ngành. Hãng đúc chip lớn nhất của Trung Quốc là tập đoàn SMIC gần đây đã hợp tác đào tạo với Đại học Công nghệ Thâm Quyến nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn.

Trong khi đó, Đài Loan đã triển khai mô hình liên kết đào tạo giữa đại học – doanh nghiệp hiệu quả hơn, điển hình như TSMC xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo tại bốn đại học của Đài Loan từ lâu và có quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều đại học khác. Tại các đại học này, với sự hỗ trợ của TSMC, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với công việc thực tế tại doanh nghiệp và có nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm hơn nên quá trình hòa nhập với công việc chính thức cũng dễ dàng hơn.

Theo Viện Chính sách Kinh tế và Kinh doanh (IBEP), mô hình hợp tác giữa Chính phủ – đại học – doanh nghiệp là giải pháp cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực bán dẫn hiện nay và đồng thời là con đường khơi nguồn các ý tưởng công nghệ mới. Theo đó, ở nhiều nước trên thế giới, mô hình hợp tác này được thực hiện với cơ chế như sau:

1. Chính phủ đóng vai trò tài trợ kinh phí cho đại học thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển. Tại Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) đang thực hiện cơ chế tài trợ này cho các đại học cả nước để khuyến khích nghiên cứu cơ bản vào đào tạo nhân lực trình độ sau đại học.

2. Doanh nghiệp tự đầu tư vào dây chuyền sản xuất cho chính họ và đồng thời tài trợ cho đại học xây dựng phòng lab để thử nghiệm các công nghệ mới, đồng thực hiện nghiên cứu với đại học hoặc tài trợ phần mềm đào tạo cho đại học và các hình thức tài trợ khác. Như trường hợp của Synopsys cung cấp giấy phép phần mềm thiết kế vi mạch (ADS) cho các đại học hay tổ chức các khóa đào tạo Train-the-Trainer về thiết kế vi mạch cho giảng viên tại các đại học. Intel, Renesas hay Marvell thì tài trợ theo hình thức nhận sinh viên thực tập, cấp học bổng và đóng góp kinh nghiệm thực tế cho đại học trong quá trình phát triển chương trình giảng dạy.

3. Đại học đầu tư xây dựng phòng lab, xây dựng chương trình giảng dạy bằng kinh phí của chính đại học và nhận cả tài trợ từ doanh nghiệp lẫn nhà nước ở nhiều hình thức khác nhau.

Với mô hình này, đại học thể hiện vai trò trung tâm khi vừa tự đầu tư vừa nhận được đầu tư từ chính phủ và doanh nghiệp. Mô hình hợp tác này mang lại giá trị rất lớn cho các doanh nghiệp về khả năng tiếp cận các chuyên gia đầu ngành và cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại của đại học; đồng thời việc chuyển giao công nghệ từ phòng thí nghiệm đến thị trường sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hình thức hợp tác này còn giúp đại học từng bước xây dựng được đội ngũ nhà khoa học chuyên sâu về bán dẫn và đào tạo ra những thế hệ sinh viên vững lý thuyết – giỏi thực hành còn doanh nghiệp thì dễ dàng tuyển dụng nhân tài. Còn đầu tư của chính phủ vào đại học sẽ giúp đất nước từng bước tự chủ công nghệ xét về tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh giải pháp cho đào tạo nhân lực bậc đại học, IBEP cũng lưu ý rằng con đường đi đến làm chủ công nghệ bán dẫn của Việt Nam là một hành trình lâu dài và bền bỉ, trong đó thế hệ trẻ là nhân tố quyết định. Chính vì vậy, nhất thiết phải có những định hướng giáo dục đúng đắn từ các bậc học thấp nhất.

Theo đó, học sinh Việt Nam nhìn chung có kiến thức phổ thông về các môn học khoa học tự nhiên khá tốt, đây là cơ hội tốt để nghiên cứu triển khai chương trình giáo dục định hướng STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm chuẩn bị một lực lượng trẻ Việt Nam có sự sẵn sàng cao cho những ngành khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

(*) Viện Chính sách Kinh tế và Kinh doanh

TS. Lê Thị Thanh Loan Nguyễn Phúc Huy Huỳnh Phan Bá Trung

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bị bắt quả tang khi đang livestream bán 'hàng hiệu' nhiều không (03/11/2023)

>   Thị trường thiết bị vệ sinh cuối năm: Nỗi lo thật giả lẫn lộn (03/11/2023)

>   TP.HCM mời doanh nghiệp đánh giá sở, ngành để hoàn thiện mình (03/11/2023)

>   Doanh nghiệp Hà Lan đầu tư nhà máy vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM (02/11/2023)

>   Ngành sản xuất của Việt Nam đã bớt khó khăn (02/11/2023)

>   Khi Án lệ 69 được áp dụng… (02/11/2023)

>   Giải pháp Net Zero đa dạng tại triển lãm năng lượng tái tạo lớn nhất Đài Loan (02/11/2023)

>   Việt Nam – Mông Cổ hợp tác về thương mại gạo bền vững (02/11/2023)

>   Vinh danh 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế ở TP.HCM (02/11/2023)

>   Đề nghị EU tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông thủy sản Việt Nam (02/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật