Chuyên gia Dương Văn Chín: ‘Gạo Việt phải chảnh lên’ “Chúng ta phải nỗ lực hết sức để hình thành được phân khúc gạo trắng hạt dài cao cấp (một số giống có mùi thơm) đặc trưng của Việt Nam”, PGS.TS. Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Thời cơ cho hạt gạo Việt Nam
KTSG: Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi lúa gạo Việt Nam” tổ chức ở Cần Thơ ngày 3-11 vừa qua, một nghịch lý đã được nêu ra: giá gạo xuất khẩu tăng trong khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo thua lỗ, không dám ký hợp đồng mới… Ông bình luận như thế nào về nghịch lý này, thưa ông?
PGS.TS. Dương Văn Chín. |
– PGS.TS. Dương Văn Chín: Theo tôi, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, dù giá gạo xuất khẩu tăng so với trước đây nhưng nếu so sánh với chất lượng hạt gạo xuất khẩu, giá có thực sự tăng?
Quả thật, trong một thời gian rất dài, các công ty lương thực quốc doanh chăm chăm vào mục tiêu tìm kiếm người mua, cạnh tranh bằng giá rẻ nên chấp nhận ký các hợp đồng giá thấp cung ứng gạo cho thị trường quốc tế. Đến khâu thu mua, để đảm bảo lợi nhuận, mức giá trả cho người trồng lúa còn thấp hơn.
Tình hình bây giờ đã khác. Trên thế giới có hai nhóm sản phẩm gạo được xuất khẩu nhiều nhất là gạo thơm trắng cao cấp như Basmati (Ấn Độ), Hom Mali (Thái Lan)… với giá 1.000-1.200 đô la Mỹ/tấn. Nhóm còn lại là gạo trắng hạt dài của Thái Lan, Ấn Độ… với giá khoảng 400-450 đô la Mỹ/tấn.
Gạo của Việt Nam có chất lượng ở mức trung gian giữa hai loại này, tức là trắng hạt dài cao cấp hơn và một số loại còn có mùi thơm. Do thị trường thế giới không chấp nhận xếp hạt gạo của Việt Nam vào nhóm gạo thơm, trong một thời gian rất dài, Việt Nam phải chấp nhận bán gạo với giá gạo trắng hạt dài và chịu thiệt thòi rất nhiều. Hiện tại là thời điểm gạo trắng hạt dài Việt Nam trở về cái giá thực chất xứng đáng với nó, tức là vào khoảng 600-650 đô la Mỹ/tấn.
Thứ hai, về chuyện doanh nghiệp than lỗ, trước hết, họ phải thừa nhận, lỗi là do họ. Họ mua gạo trắng hạt dài cao cấp của Việt Nam như Jasmine 85, Đài Thơm 8, RVT, OM 18… mà vẫn bán với giá gạo trắng hạt dài bình thường của các nước khác. Mua được gạo chất lượng tốt, tích trữ rồi chế biến nhưng họ còn phải biết quảng bá sản phẩm của họ, đó không phải hạt gạo trắng dài bình thường như Ấn Độ, Thái Lan mà là giống trung gian giữa gạo thơm trắng cao cấp và trắng hạt dài bình thường của Việt Nam và chỉ Việt Nam mới có.
KTSG: Trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vẫn tiếp tục thiếu ổn định do tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, điểm nóng xung đột, các chính sách cấm vận…, Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Theo ông, chúng ta nên làm gì để nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam?
– Đầu tiên, chúng ta phải nỗ lực hết sức để hình thành được phân khúc gạo trắng hạt dài cao cấp (một số giống có mùi thơm) đặc trưng của Việt Nam, duy trì giá bán ổn định ở mức 600 đô la Mỹ/tấn trở lên, ngang với gạo trắng hạt dài cao cấp 4% tấm của Mỹ, bất kể các vấn đề địa chính trị, chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Thái Lan… như thế nào. Làm được như vậy, Việt Nam mới chứng tỏ được vị thế đáng ra phải có từ rất lâu của hạt gạo trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, chúng ta phải cố gắng xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng cao cấp của Việt Nam, bắt đầu bằng “hai chiến sĩ” đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới là Lộc Trời 28 (gạo ngon nhất thế giới năm 2018), ST 25 (gạo ngon nhất thế giới năm 2019), đặt mục tiêu bán với mức giá khoảng 1.000 đô la Mỹ/tấn.
Gạo Việt phải “chảnh” lên, phải vươn lên cao hơn trên thị trường thế giới, phải chứng minh và truyền thông cho người tiêu dùng rằng họ bỏ ra 600 đô la Mỹ cho một tấn gạo Việt là xứng đáng. Đặc biệt, đối với rất nhiều người tiêu dùng, vấn đề họ quan tâm không còn là giá rẻ. Thu nhập người dân ngày càng cao, họ càng ăn ít gạo, thay vào đó là thịt, trứng, sữa. Chi phí cho tiền gạo trong một bữa ăn không cao cho nên họ sẽ sẵn sàng mua gạo giá cao và chất lượng tốt hơn.
Như vậy, thay vì cố gắng xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm với giá trung bình 400-450 đô la Mỹ/tấn, chúng ta chỉ cần xuất khẩu chừng 4-5 triệu tấn/năm với giá 600-650 đô la Mỹ/tấn. Khi đó, dù tổng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn nhưng lợi nhuận thu được lại lớn hơn.
Cần nguồn lực thỏa đáng
KTSG: Thưa ông, muốn đạt được mục tiêu trên, chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam cũng buộc phải thay đổi. Liệu ông có thể đưa ra một vài gợi ý?
– Thứ nhất, Nhà nước phải khuyến khích càng nhiều càng tốt những doanh nghiệp kinh doanh lương thực đầu tư vùng nguyên liệu. Họ sẽ ký kết hợp đồng với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa về bao tiêu sản phẩm, đưa ra quy trình sản xuất, phối hợp với người nông dân thực hiện đúng quy trình, giám sát sản phẩm đầu ra đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nói chung và đáp ứng các yêu cầu riêng của từng thị trường mục tiêu. Hiện tại, số lượng doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần doanh nghiệp mua lúa từ thương lái, cò lúa, về xay xát, đánh bóng rồi mang đi xuất khẩu, như vậy không bền vững được.
Thứ hai, khuyến khích người nông dân tham gia vào các hợp tác xã bởi doanh nghiệp khó có thể ký hợp đồng riêng với hàng ngàn nông dân để thu mua lúa. Nguyên tắc quan trọng là doanh nghiệp và nông dân chia sẻ lợi ích và rủi ro, khi giá lúa cao thì cùng chia sẻ lợi ích, khi giá lúa xuống thì cùng chịu rủi ro. Liên kết theo cách như vậy mới có thể bền vững và lâu dài.
Thứ ba, bản thân người nông dân phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí và ở điểm này, Nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp phải hỗ trợ họ. Muốn trồng lúa đạt lợi nhuận nhiều thì dứt khoát người trồng lúa phải giảm được chi phí sản xuất.
Thứ tư, xu hướng hiện nay là trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm khí nhà kính. Nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, riêng việc bán chứng chỉ carbon, người nông dân có thể thu thêm vài ba triệu đồng trên một héc ta canh tác lúa.
Những kỹ thuật này đã có sẵn rồi, chẳng hạn, không đốt rơm trên đồng mà gom rơm bán cho cơ sở trồng nấm hay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, khi bón phân phải chôn sâu dưới đất để giảm khí nitro oxide gây hiệu ứng nhà kính, khi tưới nước áp dụng biện pháp tưới xen kẽ giữa ướt và khô, tương tự như trồng bắp, trồng đậu… – vừa tiết kiệm nước vừa chống lại việc cây lúa bị ngã đổ.
KTSG: Từ góc độ một nhà khoa học, ông mong muốn ngành lúa gạo nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách như thế nào, để người nông dân giàu được từ cây lúa, để hạt gạo Việt Nam định vị được thương hiệu trên trường quốc tế?
– Thật sự mà nói, rất cần có một nguồn lực tài chính thỏa đáng để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, trong đó có ngành lúa gạo. Trong ngành lúa gạo, phải chọn ra ưu tiên đầu tư, chẳng hạn, nghiên cứu tạo ra các giống lúa mới cho ra sản phẩm gạo trắng hạt dài cao cấp và sản phẩm gạo thơm trắng cao cấp.
Đối với doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất giúp gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam. Tôi dẫn chứng một việc rất đơn giản, trong vụ đông xuân, chất lượng hạt gạo tốt hơn do nắng nhiều và giá thành rẻ hơn do sản lượng cao hơn. Nếu doanh nghiệp vay tiền để đầu tư silo để chứa hàng triệu tấn lúa vụ đông xuân, rồi xay xát bán dần trong vụ hè thu, thu đông khi giá lúa lên, điều hòa lượng lúa gạo trên thị trường thì nên được ủng hộ. Có nhiều cách mà các nhà quản lý có thể giúp đỡ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững và hiệu quả.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ:
Sau hàng chục năm, việc tổ chức chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam không cải thiện được nhiều. Ngoài một số ít doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu, làm việc trực tiếp với người nông dân, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tìm hợp đồng xuất khẩu, sau khi có hợp đồng thì trở lại trong nước để thu mua lúa gạo. Đó là một quy trình ngược.
Bên cạnh đó, người nông dân chưa được hướng dẫn hoặc được hướng dẫn mà chưa cải tiến kỹ thuật canh tác, dẫn đến việc tiêu tốn quá nhiều vật tư như giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Đã vậy, giá vật tư lại phụ thuộc vào giá thế giới vì nền sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hạt lúa từ người nông dân tới doanh nghiệp còn phải qua tay các thương lái, làm phát sinh thêm chi phí. Vậy nên, dù giá gạo thế giới cũng cao nhưng chưa đủ để doanh nghiệp có lời.
|
Hoàng Hạnh TBKTSG
|