Chuyên gia chỉ cách nhượng quyền trong ngành sản xuất, xây dựng...
Hiện nay, nhượng quyền được biết đến là 1 trong top 10 công cụ mang tiền về cho doanh nghiệp.
Ngày 25-11, tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 73 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức, bà Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Go Global Hoildings - đã chia sẻ với các doanh nghiệp chủ đề "Gia tăng doanh số bằng nhượng quyền – Cơ hội cho doanh nghiệp".
Theo bà Nguyễn Phi Vân, nhượng quyền là cách tạo doanh thu cho doanh nghiệp. Khi triển khai nhượng quyền, doanh nghiệp sẽ thu được phí nhượng quyền ban đầu có thể lên đến hằng trăm ngàn USD cho hợp đồng nhượng quyền có thời hạn 10 năm; bên nhượng quyền còn được hưởng phí sử dụng thương hiệu trị giá 5%-6% doanh thu; phí chuyển nhượng, đào tạo. Ngoài ra, hằng năm, bên nhận nhượng quyền sẽ đóng góp vào quỹ quảng cáo chung khoảng 2% để phát triển thương hiệu và phát triển hệ thống.
Vậy, ngành nào có thể nhượng quyền được? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Phi Vân cho biết nhượng quyền kinh doanh (Franchise) được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề. Không chỉ thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, dịch vụ có thể nhượng quyền mà bất kỳ ngành nghề nào có tài sản sở hữu trí tuệ, có thiết lập hệ thống kinh doanh hiệu quả đều có thể nhượng quyền.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân dự đoán ngành nhượng quyền sẽ tăng trưởng đột biến trong thời gian tới
|
"Hai năm trước, trong đoàn doanh nghiệp Malaysia sang Việt Nam tìm đối tác nhượng quyền có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp này đã nhượng quyền thành công ở Malaysia và muốn xuất khẩu mô hình đó sang ta. Điều đó cho thấy doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vẫn có thể nhượng quyền nếu chuẩn hóa, đóng gói mô hình" - bà Vân dẫn chứng.
Thực tế, ngành nhượng quyền đang đóng góp vào GDP của nhiều quốc gia với tỉ lệ cao. Năm 2017, ngành nhượng quyền thế giới có doanh thu 2.400 tỉ USD, năm 2023 tăng lên mức 2.900 tỉ USD và dự đoán đến năm 2027 là 4.300 tỉ USD
Nhượng quyền trở thành ngành có sự rủi ro về đầu tư thấp hơn, tạo cơ hội cho những người mất việc làm ở các công ty đa quốc gia nên tăng trưởng đột biến trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
"Khả năng từ năm 2023-2027, giá trị ngành nhượng quyền sẽ tăng 9,5%. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới ứng dụng mô hình nhượng quyền" - bà Vân nói thêm.
Sau 1 năm làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này đóng gói mô hình, nhượng quyền ở nội địa và xuất khẩu mô hình ra thế giới, bà Vân tin tưởng còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực nhượng quyền.
Bà Nguyễn Phi Vân chỉ ra rằng để nhượng quyền thành công, đầu tiên doanh nghiệp phải đóng gói và xây dựng được mô hình (bán lẻ, dịch vụ, phục vụ chạm đến người tiêu dùng đầu cuối…). Phải thử nghiệm mô hình đó có hiệu quả kinh tế cho mình. Phải xây dựng mô hình tài chính và kinh doanh nhượng quyền; xây dựng nền tảng hỗ trợ về vận hành, marketing, tài chính, pháp lý để tư vấn cho bên nhượng quyền để kinh doanh hiệu quả. Khi làm được những việc này thì triển khai nhượng quyền, song song đó là cập nhật, nâng cấp nền tảng hỗ trợ.
|
T. Nhân
Người lao động
|