Cần có trần lãi suất cho vay tiêu dùng?
TS. Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Tại Hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" được tổ chức sáng ngày 30/11/2023, TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận định thực trạng bùng nợ vay tiêu dùng đang đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý.
TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) chia sẻ tại hội thảo sáng ngày 30/11/2023.
|
TS. Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Tại thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Như vậy, pháp luật chưa quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế, nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao, vượt quá khả năng gánh vác của họ.
Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40-50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.
Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước như tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm; ở Ấn Độ lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm; tại Brazil là 30-70%; tại Mỹ chỉ khoảng 8-36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10-40%/năm.
Các nước cho rằng việc kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, trần lãi suất cho vay tiêu dùng cũng bảo vệ quyền lợi của bên đi vay. Do vậy, bà Thanh cho rằng Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, TS. Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì trả nợ.
Các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng.
Đơn cử, Thông tư số 18/2019 của NHNN có quy định về thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, không đe dọa khách hàng.
Số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7-21h.
Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành còn tiềm ẩn những vấn đề dễ dẫn đến tranh chấp, lợi dụng để khiếu nại, chây ì thực hiện nghĩa vụ của người đi vay. Điển hình là về lãi suất, theo Thông tư 39/2016 của NHNN, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng…
Cát Lam
FILI
|