Thứ Ba, 28/11/2023 20:30

Tìm cách cải thiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm

Một số chuyên gia đánh giá tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng giảm mạnh.

Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 12% là hợp lý. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông thường, vào quý 3 hàng năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thường rất mạnh bởi đây là thời điểm "nước rút" cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vốn tăng. Thế nhưng, tín dụng tính đến ngày 21/11 mới tăng 8,09%, dù đã có sự tăng trưởng những vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 14% của cả năm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh, nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Không đạt mục tiêu 14%?

Nhằm thúc đẩy tín dụng cuối năm, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp hơn đầu năm từ 2%-3%/năm, vào khoảng 6%-8%/năm, có những gói tín dụng ngắn hạn còn 4%-6%/năm. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vẫn ở mức thấp.

Cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng tín dụng hiện nay là tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó tìm được đầu ra. Tiêu dùng trong nước cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt hầu bao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chi tiêu đầu tư công dù đã cải thiện rất nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức thấp.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi doanh nghiệp khó khăn. Do đó, bên cạnh giảm lãi vay cũng cần giải pháp kích cầu sức mua thì ngân hàng mới chữa được "bệnh thừa tiền."

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, các chính sách của Việt Nam đều tập trung vào phía cung, ví dụ như chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vấn đề ở đây là phía cầu. Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

"Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt khoảng 12%-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14%-15%,” ông Huân dự báo.

Một số chuyên gia cũng đánh giá, tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất vẫn gặp khó khăn.

Theo nhận định của các ngân hàng, kỳ vọng tín dụng tăng mạnh cuối năm nay không dễ thành hiện thực và dự báo cả năm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 13%-14% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14%-15%.

Xuất khẩu gặp khó khăn nên tăng trưởng tín dụng đạt thấp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank đánh giá bước đi sắp tới về chính sách lãi suất đã đi tới hạn. Các ngân hàng hiện nay cũng rất mong muốn cho vay, tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn thấp.

Theo đánh giá của Techcombank, vấn đề lãi suất cũng như tín dụng của ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp, mà có lẽ đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Vẫn có những tín hiệu khả quan

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải cập nhật kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

“Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1/12/2023,” công điện nêu rõ.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này vẫn ở mức thấp nhưng tại một số ngân hàng tình hình đã cho thấy tín hiệu khả quan hơn từ nay đến cuối năm.

Hiện Ngân hàng Thương mại cổ phầ Phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã tăng trưởng tín dụng được 16%. Ngân hàng cũng đang hướng tới mục tiêu tăng cho vay hết hạn mức được cấp lên tới 25%.

Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết: "Nhu cầu đơn đặt hàng đã được mở rộng ra và có xu hướng xuất khẩu tiếp tục tăng thời gian tới, khách hàng sẽ cần vốn. Ngoài ra với chính sách của Chính phủ hiện nay muốn tăng trưởng kinh tế, như vậy nhu cầu vốn cũng sẽ tăng. Đặc biết, lãi suất hiện ở mức thấp, khách hàng có thể chấp nhận được và giá vốn như vậy có thể đáp ứng được hiệu quả kinh doanh nên tôi cho rằng tín dụng sẽ tiếp tục tăng thời gian tới."

Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, hiện đã có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng đó là cơ chế chính sách và môi trường kinh tế. Trong đó, cơ chế chính sách đã có, thông qua việc hạ lãi suất điều hành, giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ... Mặt bằng lãi suất đã về mức trước dịch và được dự báo sẽ ở mức thấp ít nhất tới quý 1/2024.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định với các giải pháp đang triển khai, hy vọng tín dụng sẽ đạt mức như kỳ vọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng.

Đối với bên cung, ngay từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ hết và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.

Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch COVID-19 đã bằng, thậm chí giảm hơn, với khoảng 0,3%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định với các giải pháp đang triển khai, hy vọng tín dụng sẽ đạt mức như kỳ vọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn./.

Thúy Hà

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   VPBank dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ, sẵn sàng cho tăng trưởng liên tục (28/11/2023)

>   Trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ngân hàng SCB đoạt 72 giải thưởng 'tốt nhất' (28/11/2023)

>   Tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng, bất chấp lãi suất thấp kỷ lục (28/11/2023)

>   Hệ thống kiểm soát nội bộ tại TCTD phi ngân hàng phải có 3 tuyến bảo vệ độc lập (27/11/2023)

>   Ngân hàng tung cơn lốc ưu đãi dịp cuối năm (27/11/2023)

>   Tài sản thế chấp ngân hàng đại hạ giá, vẫn 'ế' (27/11/2023)

>   Giá USD tiếp tục đi xuống (26/11/2023)

>   Doanh nghiệp có thể không bị khống chế trần chi phí 30% khi vay ngân hàng (26/11/2023)

>   Thủ tướng Chính phủ ra công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023 (26/11/2023)

>   Cách tốt nhất để cướp một ngân hàng là sở hữu nó (25/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật