Thứ Ba, 05/12/2023 09:02

Shinhan Bank Việt Nam: Từ rào cản văn hóa… đến “ngân hàng nước ngoài cho người Việt”

Hướng đến mục tiêu trở thành “Ngân hàng nước ngoài cho người Việt”, trong suốt hành trình 30 năm qua, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm mang các sản phẩm/dịch vụ tài chính đến gần hơn với khách hàng địa phương.

Nhân kỷ niệm 30 năm hoạt động của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Jung Kyung Won - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam - để chia sẻ về những thành tựu trong 30 năm qua của ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như định hướng phát triển tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa ông, sau 30 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Shinhan Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào nổi bật so với thời gian đầu?

Ông Jung Kyung Won: Có thể nói, thành tựu nổi bật tiêu biểu của Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong hành trình 30 năm hình thành và phát triển tại thị trường Việt Nam thể hiện rõ ở 3 yếu tố chính: (1) Chiến lược địa phương hóa hiệu quả; (2) sự cân bằng giữa hai mảng - kinh doanh bán lẻ, doanh nghiệp và (3) sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số.

Hành trình của Ngân hàng Shinhan Việt Nam bắt đầu vào tháng 8/1993 với việc thành lập văn phòng tại TPHCM, là nơi có nhiều tiềm năng chiến lược và là trung tâm kinh tế của Việt Nam.

Tháng 12/1994, Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận thành lập chi nhánh TPHCM, trở thành ngân hàng Hàn Quốc đầu tiên thành lập chi nhánh tại đất nước của các bạn. Ngay từ những ngày đầu, chi nhánh TPHCM đã tập trung hỗ trợ cho các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam hoặc có mong muốn đầu tư vào thị trường này.

Năm 2017 có thể xem là bước ngoặt mới của Ngân hàng Shinhan Việt Nam khi mua lại thành công mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam. Thương vụ này đã giúp Ngân hàng Shinhan mở rộng mảng bán lẻ sẵn có, cân đối hơn về cơ cấu sản phẩm, tạo sự cân bằng giữa mảng bán lẻ và doanh nghiệp; đồng thời, Ngân hàng cũng tập trung hơn vào các doanh nghiệp địa phương tại thị trường Việt Nam, cân bằng doanh số giữa các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc và các doanh nghiệp địa phương.

Nếu như ở thời điểm 2017, mảng doanh nghiệp chiếm 70% tổng dư nợ, thì đến hiện tại, mảng bán lẻ và mảng doanh nghiệp đang đóng góp lần lượt 64% và 36% trong tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp địa phương chiếm lần lượt 41% và 54%. Qua đó, có thể thấy Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã thực hiện chuyển dịch và tái cân bằng hai mảng bán lẻ và doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Hướng đến mục tiêu trở thành “Ngân hàng nước ngoài cho người Việt”, trong suốt hành trình 30 năm qua, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm mang các sản phẩm/dịch vụ tài chính đến gần hơn với khách hàng địa phương, thông qua việc mở rộng mạng lưới hoạt động rộng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tính đến hiện tại, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã phát triển lên 51­­­­ chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước - lớn nhất, xét theo độ phủ trong nhóm các ngân hàng nước ngoài. Năm 2022, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đứng ở vị trí 30 trong danh sách 1,000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất, cao nhất trong các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Về khía cạnh chuyển đổi số, tháng 05/2022, Ngân hàng Shinhan Việt Nam thành lập thành công khối “Future Bank Group” nhằm thúc đẩy quá trình số hóa toàn diện trong ngân hàng; đồng thời, ngân hàng cũng cho ra mắt thành công phiên bản mới của Ứng dụng di động Shinhan SOL Việt Nam (Ứng dụng SOL) vào tháng 12/2022 với giao diện thân thiện hơn cùng nhiều tính năng tiện ích.

Nỗ lực chuyển đổi số của Ngân hàng Shinhan được ghi nhận qua những con số “biết nói”. Tính đến cuối quý 3/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tăng gần 36% so với quý 4/2022. Khách hàng mở tài khoản bằng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) tăng 172% so với quý 4/2022. Số lượng khách hàng truy cập ứng dụng SOL mỗi ngày, trung bình trong 1 tháng, tăng 15% so với quý 4/2022.

Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi khi Ngân hàng bước chân vào Việt Nam?

Yếu tố thuận lợi khách quan từ môi trường bên ngoài là Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao. Đây là yếu tố thuận lợi đối với Ngân hàng Shinhan khi tỷ lệ người tiêu dùng trẻ cao, dễ dàng tiếp cận và thích ứng với nền tảng tài chính số hiện đại, tạo điều kiện để ngân hàng đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, cũng như mở rộng mảng bán lẻ.

Về yếu tố bên trong làm nên thành công chung của Ngân hàng Shinhan tại thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn tin rằng, nội lực ngân hàng là yếu tố quan trọng và tiên quyết.

Tại Ngân hàng Shinhan, chúng tôi luôn tự hào khi xây dựng được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và am hiểu kiến thức chuyên môn cũng như thị trường Việt Nam. Đặc biệt là đội ngũ nhân sự cấp cao, những người am hiểu thị trường, văn hóa Việt Nam, sẽ là những “cố vấn viên” hiệu quả trong chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Thêm vào đó, sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc cũng là nền tảng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam, ngay từ những bước đầu thành lập và hoạt động.

Còn những khó khăn thì sao, thưa ông? Nhờ vào đâu mà Ngân hàng vượt qua được những khó khăn đó để đạt được thành tựu như hôm nay?

Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi trong bước đầu gia nhập thị trường Việt Nam có thể nói là rào cản văn hóa. Ngân hàng Shinhan đã phải nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu và thích ứng với hành vi tiêu dùng của người dân bản địa, từ đó, phát triển các dòng sản phẩm/dịch vụ phù hợp với người dân địa phương, đáp ứng hiệu quả nhu cầu tài chính thiết thực của đa dạng phân khúc khách hàng.

Tỷ lệ dân số trẻ ở Việt Nam cao là yếu tố vừa thuận lợi vừa khó khăn khi chúng tôi phải liên tục cải tiến và phát triển các sản phẩm/dịch vụ tài chính số tiện ích, bảo mật và an toàn, nhằm mục đích bắt kịp xu hướng số hóa đang phát triển mạnh mẽ, cũng như đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của phân khúc khách hàng trẻ - những người am hiểu công nghệ và đề cao tính thuận lợi.

Một khó khăn nữa có thể nhắc đến là xu hướng cạnh tranh gay gắt giữa ngân hàng và Fintech trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số.

Để vượt qua những khó khăn này, trong suốt hành trình 30 năm vừa qua, Ngân hàng Shinhan đã không ngừng đẩy mạnhmở rộng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, nhằm tăng cường tiếp cận và phục vụ hiệu quả hơn cho khách hàng địa phương, đi sâu sát để thấu hiểu nhu cầu của từng phân khúc khách hàng cụ thể, từ đó có những chính sách phát triển phù hợp.

Ngân hàng Shinhan cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn hàng, tiến đến mục tiêu 100% số hóa các dịch vụ/sản phẩm tài chính, nhằm mang đến cho khách hàng nền tảng tài chính “thân thiện hơn, sáng tạo hơn và bảo mật hơn”.

Sau khi mua lại và tiếp nhận mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ Việt Nam, lợi thế mảng thẻ tín dụng của Ngân hàng Shinhan so với các đối thủ ra sao?

Hiện nay, Ngân hàng Shinhan tự hào là một trong những Ngân hàng dẫn đầu thị trường về sự đa dạng các chương trình tặng thưởng trong các dòng thẻ ghi nợ và tín dụng quốc tế như: Hoàn tiền, tích điểm, tích dặm, voucher giảm giá…

9 tháng đầu năm 2023 đánh dấu cột mốc chuyển mình của Ngân hàng chúng tôi khi liên tiếp hợp tác với đối tác chiến lược ở mảng E-commerce (Tiki) để ra mắt các dòng thẻ liên kết, nhằm đem lại những trải nghiệm tối ưu dành cho khách hàng. Ngoài ra, Shinhan đã hợp tác với công ty TNHH Bizzi Việt Nam ra mắt dòng thẻ tín dụng fintech đầu tiên trên thị trường, dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm khách hàng vừa và nhỏ, tích hợp nền tảng quản lý chi phí thông minh.

Bên cạnh đó, chúng tôi không ngừng cải tiến dịch vụ, tiện ích thẻ như thanh toán an toàn với thẻ Chip contactless theo tiêu chuẩn quốc tế EMV, hỗ trợ dịch vụ xác thực giao dịch trực tuyến 3D Secured version 2.0, thanh toán 1 chạm với các ví di động như Samsung Wallet, Google Wallet bằng thẻ Shinhan tại hầu hết các máy POS trên toàn quốc.

Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn hợp tác với BC Card - nhà cung cấp dịch vụ thẻ có thị phần lớn nhất Hàn Quốc để phát triển mảng kinh doanh thanh toán, với mục tiêu mang lại giải pháp hiện đại và thuận tiện nhất cho khách hàng là đơn vị bán hàng và người mua hàng, cho phép khách hàng kết nối và chấp nhận các phương thức thanh toán không tiền mặt trên nhiều nền tảng như POS, thương mại điện tử, mã QR… nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng tăng.

Với tầm nhìn nắm bắt xu hướng thanh toán không tiền mặt trên toàn cầu, trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng phát triển thêm các sản phẩm/dịch vụ mang tính số hóa với các đối tác lớn, uy tín trên thị trường để gia tăng tiện ích cho khách hàng khi sử dụng và chi tiêu thẻ.

Ngân hàng Shinhan đang nhắm đến các phân khúc khách hàng nào làm mũi nhọn, cũng như thâm nhập thị phần người tiêu dùng Việt?

Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhắm đến phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng tại thị trường Việt Nam, bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp có cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Shinhan Việt Nam định hướng mở rộng phân khúc khách hàng phục vụ đến các khu đô thị lớn, nhằm đa dạng hóa phân khúc khách hàng, phục vụ hiệu quả hơn các nhu cầu tài chính thiết thực và đồng hành cùng khách hàng trong hành trình thiết lập mục tiêu tài chính.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong mảnh khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc - hơn 40% về giá trị tài sản doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi đã và đang tích cực đồng hành cùng hơn 16,000 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm hơn 55% tổng tài sản cho vay doanh nghiệp tại Ngân hàng.

Với mục tiêu “tăng trưởng xanh bền vững” trong hoạt động cấp tín dụng, chúng tôi vẫn luôn không ngừng xây dựng và nâng cấp chính sách nội bộ nhằm quản lý rủi ro môi trường trong chính sách tín dụng của Ngân hàng. Từ đầu năm 2021, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã triển khai “Gói vay tín dụng xanh” cho vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát thải carbon thấp. Ở thời điểm hiện tại, dư nợ “dự án xanh” đang khá ổn định và tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phục vụ phân khúc khách hàng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc. Theo chiến lược và định hướng phát triển từ trước đến nay, các chi nhánh và phòng giao dịch của Ngân hàng Shinhan Việt Nam được tập trung phân bổ ở hầu hết các khu công nghiệp lớn, nơi tập trung đông các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang hoạt động.

Song song với việc phát triển mạng lưới hoạt động, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Shinhan Việt Nam liên tục tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu và tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong và ngoài Việt Nam; tập trung đẩy mạnh triển khai các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu không những của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc mà còn của các cán bộ nhân viên các doanh nghiệp FDI này.

Cho năm 2023, Ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh thế nào? Cơ sở nào để Ngân hàng thực hiện mục tiêu trên?

Trong năm 2023, Ngân hàng Shinhan Việt Nam chú trọng phát triển cơ sở khách hàng và tiếp tục đẩy mạnh cân bằng giữa hai mảng bán lẻ và doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động rộng khắp, nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở các địa phương, với các nhu cầu tài chính cụ thể.

Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phát triển các gói vay tiện ích, cũng như các sản phẩm/tài chính hiệu quả, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng cao của phân khúc khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân; tích cực nghiên cứu và đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm/dịch vụ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tiến đến cân bằng hiệu quả giữa bán lẻ và doanh nghiệp.

Kế hoạch mở rộng mạng lưới Ngân hàng trong thời gian tới thế nào, thưa ông?

Tính riêng trong năm 2023, chúng tôi đã khai trương thêm 5 chi nhánh/phòng giao dịch tại các thành phố lớn trên cả nước. Việc đưa vào hoạt động các chi nhánh/phòng giao dịch trên đã nâng số lượng thành 51 đơn vị, nhằm phục vụ tốt hơn khách hàng ở các địa phương.

Bên cạnh kênh giao dịch truyền thống, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch trực tuyến, ngân hàng số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng về sự tiện ích, nhanh chóng và độ bảo mật cao thông qua việc liên kết hợp tác với các đối tác tài chính công nghệ (Fintech) cũng như các nền tảng thương mại điện tử uy tín tại thị trường Việt Nam. Qua đó, xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện và hiệu quả, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những “Ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam năm 2030”.

Ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam? Còn dư địa để phát triển nữa không?

Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược đầu tư của Tập đoàn Tài chính Shinhan Hàn Quốc nói chung và của Ngân hàng Shinhan Việt Nam nói riêng với nhiều tiềm năng phát triển trung và dài hạn. Không chỉ nhờ tiềm lực về vị trí địa lý, nguồn nhân lực trẻ năng động, mà còn nhờ những chính sách đối ngoại cởi mở của Chính phủ Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, đầu tư hiệu quả vào thị trường Việt Nam.

Theo tổng hợp báo cáo từ các chuyên gia, số liệu về dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam mới chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Thêm nữa, tỷ lệ lan tỏa của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng hiện cũng chưa cao. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ sẽ tính bằng lần và là thị trường mở rộng cho tất cả các ngân hàng biết tận dụng cơ hội để bứt phá.

Thêm vào đó, sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, các kênh thương mại hiện đại và các kênh thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam hiện nay đồng nghĩa với việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục thay đổi bộ mặt của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, mở ra nhiều dư địa phát triển hơn nữa cho lĩnh vực này trong tương lai gần.

Ngân hàng theo đuổi chiến lược kinh doanh thế nào để tạo ra sự khác biệt so với những ngân hàng ngoại khác để giành thị phần tại Việt Nam?

Chúng tôi quyết tâm xây dựng Ngân hàng Shinhan Việt Nam thành một ngân hàng bản địa thực sự trong mắt khách hàng Việt qua 3 mục tiêu cốt lõi như sau:

1. Tiếp tục lấy “Khách hàng làm trọng tâm, tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng”.

2. Tăng cường nội lực ngân hàng thông qua “Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp”.

3. Tăng cường đóng góp cho cộng đồng và xã hội với mục tiêu “Mang đến thế giới tốt đẹp hơn thông qua sức mạnh tài chính”.

Đầu tiên là mục tiêu “Lấy khách hàng làm trọng tâm, nâng cao trải nghiệm của khách hàng”. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược kinh doanh hướng đến khách hàng, thông qua việc nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm/dịch vụ tài chính ưu việt, đáp ứng hiệu quả những nhu cầu thiết thực của khách hàng hiện tại. Đồng thời, tập trung áp dụng chuyển đổi số từ sản phẩm/dịch vụ đến quy trình phục vụ nhằm nâng cao trải nghiệm tiện ích và an toàn của khách hàng trong quá trình giao dịch, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng trong vấn đề bảo mật.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động trên toàn quốc trong năm 2030 để tiếp cận và phục vụ hiệu quả cho khách hàng địa phương. Hơn nữa, chúng tôi còn muốn mở rộng đa dạng đối tượng khách hàng mục tiêu tại các thành phố lớn trên toàn quốc.

Thứ hai là “Tăng cường nội lực ngân hàng thông qua việc xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp”. Từ thời điểm hình thành và bắt đầu phát triển tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Shinhan đã rất chú trọng xây dựng một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp và vững mạnh thông qua việc tạo nên môi trường làm việc lý tưởng cùng những chương trình đào tạo chất lượng cho tất cả nhân viên, mang đến nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn và cơ hội thăng tiến cho mỗi cá nhân.

Cuối cùng là mục tiêu “Mang đến thế giới tốt đẹp bằng tài chính”. Năm 2023 là cột mốc đánh dấu 30 năm Ngân hàng Shinhan có mặt tại thị trường Việt Nam. Cam kết gắn bó bền vững của Ngân hàng Shinhan với thị trường Việt Nam không chỉ thể hiện qua việc phát triển kinh doanh hiệu quả mà còn thể hiện qua những đóng góp thiết thực của Ngân hàng cho cộng đồng và xã hội Việt Nam. Tại Việt Nam, Ngân hàng Shinhan Việt Nam bắt đầu triển khai các hoạt động CSR từ năm 2007. Tổng chi phí cho hoạt động CSR từ năm 2007 đến nay đạt gần 79 tỷ đồng.

Giai đoạn tiếp theo, vẫn với tinh thần lan tỏa tài chính ấm áp đến với cộng đồng, Ngân hàng Shinhan sẽ tiếp tục thực hiện các chuỗi chương trình ý nghĩa, nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Nhìn lại xu hướng chuyển dịch tín dụng bán lẻ trong 10 năm qua (01/12/2023)

>   Tìm cách cải thiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm (28/11/2023)

>   VPBank dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ, sẵn sàng cho tăng trưởng liên tục (28/11/2023)

>   Trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ngân hàng SCB đoạt 72 giải thưởng 'tốt nhất' (28/11/2023)

>   Tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng, bất chấp lãi suất thấp kỷ lục (28/11/2023)

>   Hệ thống kiểm soát nội bộ tại TCTD phi ngân hàng phải có 3 tuyến bảo vệ độc lập (27/11/2023)

>   Ngân hàng tung cơn lốc ưu đãi dịp cuối năm (27/11/2023)

>   Tài sản thế chấp ngân hàng đại hạ giá, vẫn 'ế' (27/11/2023)

>   Giá USD tiếp tục đi xuống (26/11/2023)

>   Doanh nghiệp có thể không bị khống chế trần chi phí 30% khi vay ngân hàng (26/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật