Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ báo cáo các khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Hiệu quả tận dụng các FTA chưa cao
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu sang các thị trường FTA (Hiệp định thương mại tự do) lớn như EU, CPTPP (Canada và Mexico), Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn (nhiều tỉnh tỷ lệ này chưa đến 10%).
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi cũng chưa đạt được như kỳ vọng, như tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP khoảng gần 5%, trong EVFTA khoảng gần 26% và trong UKVFTA khoảng gần 24%.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm đúng mức v.v...
Cần tận dụng tốt hơn các FTA thế hệ mới. Ảnh: Hoàng Giám |
Bộ Công Thương cho rằng số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan; doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi.
"Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế", Bộ này đánh giá.
Để tuyên truyền cho các FTA, số lượng các hội nghị, hội thảo được tổ chức rất nhiều nhưng đôi khi bị chồng chéo, trùng lặp nội dung, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Theo thống kê sơ bộ, riêng trong năm 2022, số lượng các hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn về Hiệp định CTPPP, EVFTA và UKVFTA là khoảng 347 sự kiện, tức là 1 ngày diễn ra 1 sự kiện. Có những trường hợp cùng một nơi diễn ra 2-3 hội nghị, hội thảo cùng một nội dung do các cơ quan khác nhau tổ chức.
Chưa kể, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tham gia các hội nghị, hội thảo về các FTA, đặc biệt còn tình trạng nhiều sự kiện tổ chức về FTA có số doanh nghiệp tham dự chỉ đạt 1/3-1/2 doanh nghiệp được mời.
Giải pháp nào?
Theo Bộ Công Thương, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong FTA, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như thuế, quy tắc xuất xứ... Ngoài ra, định kỳ rà soát việc thực thi, nhanh chóng xử lý vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản này.
Đồng thời tiếp tục triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết trong các FTA đã có hiệu lực; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn các Công ước quốc tế và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan đảm bảo thực thi cam kết trong các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương mong muốn phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng hệ sinh thái tận dụng cơ hội từ các FTA. Do nguồn lực có hạn nên trước mắt mỗi tỉnh, thành tập trung xác định 1-2 lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực để xây dựng hệ sinh thái, nếu thành công sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác.
Hỗ trợ cho hệ sinh thái này, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cần kết nối chặt chẽ với nhau để xây dựng chính sách, các biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực được lựa chọn.
Theo cơ quan này, cũng cần xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đặc biệt là các DNNVV trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV thực hành tiêu chuẩn ESG, DNNVV kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể với các ngân hàng thương mại để xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA (có thể là các lãi suất ưu đãi phù hợp với cam kết quốc tế, điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn... ).
Ngoài ra, cần chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các Tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, WB, ADB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác để tạo nguồn vốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu.