Nghịch lý sầu riêng được giá, nhà xuất khẩu lỗ nặng rời thị trường Trái sầu riêng thời gian qua được giá cao, mang đến nguồn thu tốt cho người trồng, nhưng ngược lại phía nhà xuất khẩu loại trái cây này lại rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Đáng chú ý, vì thị trường mang mún “tranh bán – tranh mua” nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sớm rút khỏi thị trường.
Trong khi nhiều người nông dân, Hợp tác xã trồng sầu riêng được giá bán cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu loại trái này bị thua lỗ, phải rút khỏi thị trường. Ảnh: TL |
Thông tin này được ghi nhận trong cuộc họp liên quan đến việc tổ chức hội chợ và triển lãm quốc tế lần thứ 6 chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam 2024) vào ngày 24-11.
Trao đổi với KTSG Online về vấn đề nói trên, ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng chi nhánh phía Nam của Hội làm vườn Việt Nam, cho biết do sầu riêng được giá bán nên thời gian qua nhiều nông dân hủy cọc để bán cho cò, lái với giá cao hơn khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Theo ông Mười, việc này khiến các công ty xuất khẩu mặt hàng trái cây này gặp khó trong hoàn thành đơn hàng cho đối tác, phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.
Cụ thể ông Mười cho rằng, ngoài lúa gạo thì năm nay trái sầu riêng là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu tuyệt vời và được giá cao. Cũng chính vì vậy mà sức nóng của loại “vua trái cây” này trong thời gian qua trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết khi thị trường chứng khiến tranh mua, tranh bán, loạn giá…kéo dài.
Nhiều người nông dân, chủ vườn trồng… đã ký hợp đồng cung cấp sầu riêng với các nhà xuất khẩu trước đó nhưng khi thấy được giá cao lại bẻ kèo, bẻ cọc. Các doanh nghiệp xuất khẩu không mua được hàng hoặc giá bán bị đẩy lên cao dẫn đến phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Đáng chú ý, việc người trồng thu hoạch trái sầu riêng chưa đủ tuổi còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà xuất khẩu cũng như trái sầu riêng trong nước. Do đó, khi bên nhập khẩu nhận được sản phẩm “non tuổi” thì cho rằng sầu riêng không đạt chất lượng. “Nhiều công hàm phía đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc cho rằng sản phẩm trái sầu riêng thu hoạch bị “non tuổi” dẫn đến trái không chín, cơm sầu riêng bị sượng, chất lượng không đảm bảo và đối tác không lấy hàng”, ông Mười nói, và cho rằng việc duy trì cam kết với các đối tác nhập khẩu bị ảnh hưởng.
Trên thực tế do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thương lái chạy theo số lượng nên cố tình cắt sầu riêng chưa đủ tuổi để bán tại các thị trường dễ tính. Đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến chất lượng sầu riêng tại Việt Nam bị giảm sút, cũng là lý do sản lượng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ hàng để xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Theo ông Mười ghi nhận trong năm nay, hơn 50% doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch thấy bất ổn nên đã nhanh chóng rời thị trường này.
Tương tự, trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho biết thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng rất khó khăn vì thị trường rơi vào tình trạng “tranh mua – tranh bán”.
Đáng chú ý là mùa vụ sầu riêng vào tháng 8-9-10 vừa qua ở vùng Tây Nguyên, do độc quyền (những vùng khác qua mùa), nên nhiều nông dân đã chấp nhận đền “tiền cọc” của nhà nhập khẩu để bán cho thương lái hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn.Ông Nguyên cho rằng một số doanh nghiệp lỗ lên đến hàng chục tỉ đồng, thậm chí có doanh nghiệp cao hơn.
Nút thắt “tranh bán – tranh mua và bẻ cọc” khiến cho cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn. Để kinh doanh mặt hàng này bền vững, theo ông Nguyên, doanh nghiệp xuất khẩu cần có vườn trồng trái sầu riêng. Điều này là nhằm phòng ngừa rủi ro trong trường hợp người trồng “bẻ cọc” thì doanh nghiệp còn có sản phẩm để cung cấp cho nhà nhập khẩu.
Triển lãm quốc tế chuyên ngành rau, hoa, quả (HortEx Vietnam 2024) sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15-3-2024 tại SECC, TPHCM, sẽ là cầu nối giao thương và giúp các sản phẩm Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, ngoài Công ty VEAS (Việt Nam) và Nova (Hà Lan), ban tổ chức triển lãm HortEx Vietnam lần thứ 6 này còn có sự hợp tác chiến lược của Công ty Messe Essen (Đức) – đơn vị tổ chức triển IPM Essen – triển lãm ngành làm vườn lớn nhất thế giới.
Lần hợp tác này là một bước tiến thúc đẩy cho HortEx Vietnam vươn lên tầm cao mới, với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu thế giới và người mua hàng từ khắp các châu lục. Qua đó, giúp người làm vườn, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được những công nghệ mới tiên tiến, khách hàng mới, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh với nhiều thị trường.
HortEx Vietnam 2024 dự kiến có 250 nhà trưng bày trong lĩnh vực công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện sẽ là diễn đàn B2B tập trung vào ngành rau, hoa, quả, kết nối các cơ hội kinh doanh, hợp tác thương mại đầu tư, chuyển giao công nghệ… Đồng thời, đây là cầu nối giao thương giúp các sản phẩm của Việt Nam có cơ hội thâm nhập và chinh phục thị trường quốc tế.
|
Lê Hoàng TBKTSG
|