Tích hợp dọc làm thay đổi nền công nghiệp ô tô – trường hợp Tesla Kể từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp ô tô đối mặt với nhiều thách thức đáng kể khiến quá trình phục hồi chậm. Việc thiếu hụt và biến động của nguyên liệu đầu vào, chất bán dẫn và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng khiến mỗi nhà sản xuất cần xây dựng chiến lược riêng để cố gắng hạn chế các tác động tiêu cực. Trong số đó, chiến lược tích hợp dọc của các nhà sản xuất ô tô điện mới nổi, đặc biệt là Tesla, trở nên đáng chú ý và thúc đẩy các nhà sản xuất truyền thống điều chỉnh chiến lược để thích nghi với tình hình mới.
Gigafactory tại bang Nevada (Mỹ) – một trong những nhà máy ô tô lớn nhất thế giới, sản xuất động cơ điện, pin 4680, bộ truyền động và Tesla Semi. Nguồn ảnh: Tesla |
Các nhà sản xuất lâu đời như BMW đã trải qua hàng chục năm để thiết lập một mạng lưới các nhà cung cấp phụ tùng thiết bị hàng đầu và đáng tin cậy thông qua các hợp đồng hợp tác lâu dài với các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Việc này giúp các nhà sản xuất truyền thống tập trung vào năng lực cốt lõi của mình là sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển trên toàn cầu thông qua việc đầu tư mở rộng các nhà máy và tích hợp ngang.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tesla đã phá vỡ các quan điểm cố hữu của ngành công nghiệp ô tô với chiến lược tích hợp dọc. Đây là cách tiếp cận được nhà sản xuất này thực hiện để kiểm soát các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, từ phát triển sản phẩm đến sản xuất, tiếp thị, bán hàng và phân phối.
Tesla đã đưa chiến lược này lên ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô chuyển sang điện hóa, giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh quan trọng. Đó là nhờ vào việc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp, phản ứng phù hợp và linh hoạt trước những tín hiệu thay đổi của thị trường và cơ hội mới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, chi phí và xây dựng hệ sinh thái liên quan.
Tesla tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, khi áp dụng tích hợp dọc bằng cách kiểm soát hầu hết mọi bước quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành.
Có trụ sở chính tại bang Texas (Mỹ), Tesla vận hành sáu nhà máy lớn tại các địa điểm chiến lược trên khắp ba châu lục (Mỹ, Âu, Á) dưới tên gọi Gigafactory. Đây là những cơ sở sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Mỗi Gigafactory được tích hợp hệ thống robot hiện đại và sản xuất các sản phẩm cụ thể.
Cung cấp linh kiện và phụ tùng: Ở thượng nguồn chuỗi cung ứng, Tesla tự sản xuất nhiều linh kiện quan trọng, bao gồm động cơ điện, pin và các bộ phận hệ thống truyền động. Điều này làm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp (bên thứ ba) và mang lại khả năng kiểm soát tốt hơn về chất lượng và chi phí.
Trong đó, tự sản xuất và cung ứng pin là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của Tesla. Việc này được thực hiện tại các Gigafactory ở Mỹ, Đức. Hãng đang tiếp tục phát triển pin hiệu năng cao riêng của mình (ví dụ: pin 4680). Quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp pin như Panasonic và CATL vẫn được hãng duy trì để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Phần mềm điều khiển xe và hệ thống giải trí: Xe Tesla sử dụng hệ thống phần mềm điều khiển phức tạp giúp tối ưu hóa hiệu suất, quản lý sạc và an toàn pin, điều chỉnh hành vi của người lái xe và cung cấp các chức năng giải trí. Phần lớn phần mềm này, bao gồm cả giao diện người dùng, đã được phát triển nội bộ bởi đội ngũ của Tesla.
Một trong những tính năng đặc biệt của các xe Tesla là khả năng cập nhật từ xa thông qua OTA (Over-The-Air), và cho phép khách hàng có thể mua thêm các tùy chọn và tính năng trả phí thông qua ứng dụng Tesla hoặc giao diện người dùng trong xe.
Phân phối và bán lẻ: Khác biệt với các nhà sản xuất truyền thống, ngay từ khi thành lập, phương thức phân phối của Tesla là bán xe trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua kênh trực tuyến hoặc qua các cửa hàng chính thức của hãng, loại bỏ sự tham gia của mạng lưới đại lý truyền thống.
Mô hình kinh doanh này giúp Tesla kiểm soát tốt hơn chi phí tồn kho, quản lý dịch vụ bảo hành và giá cả, hướng dẫn người tiêu dùng về xe điện, đồng thời nhanh chóng thu thập phản hồi của khách hàng. Điều này đã góp phần vào việc duy trì và củng cố thương hiệu Tesla như một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.
Nhu cầu vốn lưu động (Working Capital Requirement – WCR) là một chỉ tiêu tài chính quan trọng, được tính bằng tổng của hàng tồn kho và khoản phải thu khách hàng trừ đi khoản phải trả nhà cung cấp. Trong bài nghiên cứu, để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhóm tác giả tính toán tỷ suất nhu cầu vốn lưu động trên doanh thu (theo số ngày và theo phần trăm) của các nhà sản xuất.
Bằng cách bán hàng trực tiếp không qua đại lý, Tesla đã thành công trong việc duy trì một khoản phải thu thương mại rất thấp. Do đẩy mạnh sản xuất, lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên được bù đắp bởi sự gia tăng đồng thời các khoản thanh toán trả chậm với các nhà cung cấp, Tesla vẫn duy trì tỷ suất nhu cầu vốn lưu động trên doanh thu rất thấp, thậm chí âm.
Một lý do nữa là tốc độ sản xuất ô tô điện nhanh ngạc nhiên của Tesla so với hầu hết các nhà sản xuất ô tô khác. Theo một video do New China TV phát hành, quá trình sản xuất Model Y tại nhà máy ở Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ mất 2,5 giờ để hoàn thành mỗi chiếc xe, trong khi con số trung bình của ngành ô tô là từ 18-35 giờ.
Vào năm 2022, mỗi vòng quay WCR chỉ kéo dài trên hai ngày (WCR chiếm 0,7% doanh thu) cho thấy Tesla rất nhanh chóng chuyển đổi doanh thu của mình thành tiền mặt bằng cách quản lý phải thu, tồn kho và công nợ một cách hiệu quả.
Nhà máy tinh chế lithium của Tesla dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024. Nguồn ảnh: Tesla |
Tài trợ bán hàng và bảo hiểm xe: Tesla cung cấp một số dịch vụ tài trợ bán hàng để giúp việc mua hoặc thuê xe Tesla trở nên dễ tiếp cận đối với các đối tượng khách hàng đa dạng. Một trong những phát triển đáng chú ý của hãng dành cho thị trường Mỹ là dịch vụ bảo hiểm theo thời gian thực, dựa trên việc thu thập dữ liệu về hành vi lái xe của người dùng.
Điểm số được cập nhật sau mỗi hành trình giúp người dùng có thể ước tính chi phí bảo hiểm kỳ tiếp theo. Điểm số cao hơn sẽ dẫn đến mức chi phí bảo hiểm thấp hơn, khuyến khích các tài xế cân nhắc và cải thiện hành vi lái xe của mình, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn giao thông.
Tesla áp dụng chiến lược tích hợp dọc thay vì tích hợp ngang như các nhà sản xuất ô tô truyền thống: kiểm soát các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, từ phát triển sản phẩm đến sản xuất, tiếp thị, bán hàng và phân phối. |
Sửa chữa và bảo dưỡng: Tesla tiếp tục triển khai mạng lưới dịch vụ sau bán hàng trên quy mô toàn cầu gồm các trung tâm dịch vụ, bảo hành, cửa hàng sửa chữa ô tô chính hãng. Ngoài mục đích thúc đẩy bán hàng, việc trực tiếp điều hành các cơ sở dịch vụ và sửa chữa giúp Tesla phát hiện nhanh chóng các sự cố, lỗi kỹ thuật và các vấn đề liên quan đến trải nghiệm người dùng để có thể điều chỉnh kịp thời sản phẩm.
Hệ thống sạc, truyền tải điện và dự trữ năng lượng: Tesla đang mở rộng mạng lưới Supercharger, hệ thống sạc nhanh điện áp cao, trên phạm vi toàn cầu. Hãng cũng đang thúc đẩy sự tích hợp của Supercharger với hệ thống lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời của mình để giảm chi phí và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Các trạm sạc nhanh này thường được đặt tại các tuyến đường đông đúc, khu vực trong và xung quanh trung tâm đô thị để cung cấp sự thuận tiện cho chủ xe. Kể từ tháng 11-2021, Tesla bắt đầu cung cấp quyền truy cập Supercharger cho các xe không phải của hãng tại một số điểm chọn lọc, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi điện hóa trong ngành công nghiệp ô tô.
Nguyên liệu quan trọng cho sản xuất: Mắt xích duy nhất trong chuỗi cung ứng mà Tesla chưa thực sự có hoạt động là khai thác mỏ và cung ứng các nguyên liệu đầu vào quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nguyên liệu lithium cho sản xuất pin tăng mạnh trong năm 2022, Tesla đang đầu tư vào khai thác và tinh chế lithium quy mô lớn để phòng ngừa biến động giá. Hãng đã nắm quyền khai thác mỏ lithium ở bang Nevada từ năm 2020 và xây dựng nhà máy tinh chế lithium tại bang Texas dự kiến hoạt động vào năm 2024 với sản lượng đủ cung cấp cho một triệu xe mỗi năm.
Giống như Tesla, tích hợp dọc cũng là chiến lược tối quan trọng của BYD kể từ khi bắt đầu sản xuất ô tô điện.
Tuy nhiên, BYD tập trung chủ yếu vào thượng nguồn của chuỗi cung ứng. Nhà sản xuất Trung Quốc này tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng đầu vào cho xe điện khi trực tiếp sản xuất bộ vi xử lý và đã là một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới từ nhiều năm qua. Điều này cho phép công ty tự chủ, kiểm soát chi phí và thời gian sản xuất tốt hơn.
BYD tạo cho mình lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ bằng việc tham gia từ rất sớm vào hoạt động khai thác lithium. BYD đã đầu tư mạnh vào hoạt động khai thác lithium ở Trung Quốc, Indonesia, Argentina và Chile. BYD sẽ đẩy nhanh đáng kể chiến lược thâu tóm nguyên liệu quan trọng này với việc đã đạt được thỏa thuận mua sáu mỏ lithium ở châu Phi có khả năng sản xuất đủ pin cho hơn 27 triệu xe điện.
Giống như Tesla, tích hợp dọc cũng là chiến lược tối quan trọng của BYD. Tuy nhiên, BYD tập trung chủ yếu vào thượng nguồn của chuỗi cung ứng: tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng đầu vào cho xe điện khi trực tiếp sản xuất bộ vi xử lý và đã là một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới. |
Trong bối cảnh chuyển đổi điện hóa, BMW dù chưa áp dụng chiến lược tích hợp dọc sâu rộng như Tesla hay BYD nhưng cũng đã bắt đầu tham gia vào một số mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình.
Thông qua việc mua lại và đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất pin một cách thận trọng, BMW bắt đầu trực tiếp sản xuất pin dù còn ở quy mô nhỏ, đồng thời vẫn tiếp tục dựa vào các nhà cung cấp chuyên nghiệp CATL và EVE Energy để cung cấp pin theo các tiêu chuẩn của riêng mình. Cuối năm 2022, BMW đã mở nhà máy sản xuất pin lithium-ion của riêng mình ở châu Âu, đặt tại Munich (Đức).
BMW sở hữu và thiết lập hệ thống đại lý ủy quyền toàn cầu rộng lớn. Mạng lưới này đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối các sản phẩm BMW tới khách hàng cuối cùng, cung cấp các dịch vụ hậu mãi, bảo trì và sửa chữa. BMW cũng từ lâu đã cung cấp các khoản tín dụng trả chậm cho các đại lý, nhà nhập khẩu và người mua xe. Tuy nhiên, BMW gần đây đã chính thức công bố rằng bán hàng trực tiếp sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược bán hàng mới của hãng nhằm nhằm nâng cao hiệu suất trong việc tiếp cận và phục vụ khách hàng.
Phương thức phân phối có tác động rõ ràng đến nhu cầu vốn lưu động của các nhà sản xuất.
Tesla có tỷ suất nhu cầu vốn lưu động (tức nhu cầu vốn lưu động trên doanh thu) thấp nhờ vào việc bán hàng trực tiếp và tốc độ sản xuất nhanh.
Chỉ số này của BMW cao hơn nhiều do các khoản phải thu lớn từ việc phân phối sản phẩm thông qua mạng lưới đại lý, nhà nhập khẩu và cung cấp dịch vụ tài trợ mua xe cho khách hàng. Tuy nhiên, quan sát diễn biến của chu kỳ WCR trên doanh trong năm năm qua (hình 3) thấy rằng, BMW nhờ kinh nghiệm của mình nên đã kiểm soát WCR tốt và tỷ lệ này giảm dần theo thời gian: Từ 170,3 ngày cho một vòng quay WCR vào năm 2018, số ngày cho một vòng quay vào năm 2022 chỉ còn 114 ngày. Điều này một phần được giải thích là do BMW cũng đã bắt đầu triển khai bán hàng trực tiếp.
Với BYD, chỉ số này giảm nhanh chóng trong các năm qua. Để đẩy mạnh doanh số bán hàng, BYD ký hợp đồng bán các lô xe với nhiều công ty taxi và cung cấp dịch vụ gọi xe, đồng thời hãng cũng cung cấp dịch vụ tài chính bán hàng. Điều này khiến các khoản phải thu và tồn kho của BYD khá lớn. Tuy nhiên, các khoản phải trả nhà cung cấp của BYD tăng mạnh vào cuối năm 2022 đã cải thiện đáng kể tỷ suất WCR ở mức 28 ngày.
Các nhà cung cấp phụ tùng và các đại lý phân phối cũng sẽ phải tìm cách thích nghi trong quá trình chuyển đổi điện hóa của ngành công nghiệp ô tô
Quá trình dịch chuyển sang ô tô điện đang khiến nhiều nhà cung cấp phụ tùng, nhất là các phụ tùng có liên quan đến động cơ đốt trong, sụt giảm mạnh về doanh số. Không chỉ có thế, chiến lược tích hợp dọc của các nhà sản xuất nhằm tăng cường khả năng tự chủ trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn đối với các quy trình thượng nguồn, cũng khiến cho thị phần của các nhà cung cấp này tiếp tục bị thu hẹp.
Trong một thời gian dài trước đây, tỷ suất thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT) trên doanh thu của các nhà cung cấp phụ tùng (Suppliers) luôn cao hơn các nhà sản xuất (OEMs). Tuy nhiên, điều này đã thay đổi kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, cũng là lúc chứng kiến sự bùng nổ của xe điện. Không chỉ khó khăn vì thị phần thu hẹp, giờ đây, lợi nhuận của các nhà cung cấp cũng bị bào mòn dần nếu không có những điều chỉnh và thay đổi mạnh mẽ trong mô hình và chiến lược kinh doanh (hình 4).
Tương tự, ở hạ nguồn chuỗi cung ứng của ngành, các đại lý, nhà phân phối và cung cấp dịch vụ truyền thống cũng sẽ phải tìm cách thích nghi, khi giờ đây các nhà sản xuất đang tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới tập trung vào bán hàng trực tiếp, cung cấp các dịch vụ tài chính và dịch vụ sau bán hàng thông qua trang web hoặc các cửa hàng trực tiếp của chính họ.
Như vậy, chiến lược tích hợp dọc trong thời kỳ chuyển đổi điện hóa đã giúp các nhà sản xuất mới nổi tăng trưởng nhanh chóng, điều mà các nhà sản xuất truyền thống phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể đạt được. Bối cảnh này đã thúc đẩy các nhà sản xuất truyền thống cũng như các nhà cung ứng, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ… điều chỉnh lại chiến lược của mình. Đánh giá và so sánh hiệu quả tài chính của các nhà sản xuất sẽ được phân tích chi tiết trong số sau.
(*) Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global.
Tài liệu tham khảo:
1. BMW Group Rapport Annuel 2019, 2020, 2021, 2022. BMW Group PressClub.
2. Tesla Rapport Annuel 2019, 2020, 2021, 2022. https://www.tesla.com/fr_fr/impact
3. BYD Rapport Annuel 2019, 2020, 2021, 2022.
4. Stricker, K. & Correa, P. (2023, July 25). Automotive profitability: How OEM and supplier margins are faring. Bain. https://www.bain.com/fr/insights/automotive-profitability-how-oem-and-supplier-margins-are-faring-interactive/
Nguyễn Minh Tuấn Nguyễn Hương Giang TBKTSG
|