Đà Nẵng có cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam Các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Sáng 10-10, TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: Vấn đề đặt ra với TP Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: TẤN VIỆT | Đà Nẵng ưu tiên sản xuất vi mạch Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, kinh tế số đóng góp gần 20% GRDP của TP. Đà Nẵng hiện có 2.450 doanh nghiệp (DN) công nghệ số với 46.000 nhân lực. Trong đó, 250 DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp linh kiện điện tử. Theo ông Chinh, hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tại Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ các DN điện tử, vi mạch bán dẫn. Thống kê cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành liên quan đến điện tử, vi mạch tại các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 900 sinh viên, với 750 sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Ông Chinh cho hay, kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của Đà Nẵng đến năm 2030 đã xác định, TP ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Đà Nẵng cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của TP. Đà Nẵng phấn đấu có 8.950 DN công nghệ số với 115.000 nhân lực, bảy khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm. Chủ tịch Đà Nẵng cho hay, chủ trương của Đảng, Chính phủ, mới nhất là kết quả quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đang mở ra cho cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. “Đà Nẵng xem đây là động lực để tiếp tục phát triển, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người trên tinh thần kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài”, ông Chinh nhấn mạnh. Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Ảnh: TẤN VIỆT | Nhiều giải pháp phát triển nhân lực số Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho hay, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Các ưu điểm của Đà Nẵng được nêu ra như có Khu Công nghệ cao diện tích 5-100 ha cho nhà đầu tư. Nguồn đất sạch. Không gian 300 ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo. Nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới cho vay… Theo ông Bình, Đà Nẵng có thể phát triển nguồn nhân lực bán dẫn có năng lực cao bằng nhiều cách. Trong đó có việc hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để triển khai các khóa đào tạo. TP cũng có thể thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc, xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Đồng thời thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn. Qua đó góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình: Thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh. PGS.TS Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường công nghệ - Đại học Duy Tân. Ảnh: TẤN VIỆT | PGS.TS Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường công nghệ - Đại học Duy Tân cho hay, mặc dù mức lương của các kỹ sư vi mạch cao hơn so với các ngành khác nhưng sinh viên ít lựa chọn vì một số nguyên nhân. Vị này phân tích, nhận thức của xã hội về ngành vi mạch bán dẫn chưa theo kịp với tình hình phát triển. Nguyên nhân do đây là lĩnh vực khá mới mẻ, ít thông tin, ít doanh nghiệp tuyển dụng ở các địa phương, trừ Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đây cũng là ngành học khó, yêu cầu về tiếng Anh cao, áp lực công việc lớn vì phần lớn phải làm việc cho các dự án nước ngoài. Ngoài ra, chi phí đào tạo chuyên ngành này cao hơn nhiều so với các chuyên ngành khác. Từ những lý do trên, PGS.TS Hà Đắc Bình kiến nghị Đà Nẵng nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sự phát triển vi mạch đối với nền kinh tế. Đà Nẵng cần nâng mức vay cho sinh viên theo học lĩnh vực này, tài trợ kinh phí cho tất cả các đơn vị đào tạo trên mỗi sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn. Đồng thời phải có chính sách thu hút chuyên gia cao cấp từ các nước đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Đà Nẵng. PGS.TS Hà Đắc Bình cũng kiến nghị Đà Nẵng xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm với mục đích sản xuất chế tạo thử vi mạch. Đây sẽ là nơi cung cấp hạ tầng cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế tạo vi mạch, làm chủ công nghệ chế tạo vi mạch cho các trường đại học trên địa bàn TP. Các phòng thí nghiệm này trực thuộc TP dưới sự chủ trì của Sở TT&TT. Các trường đại học trên địa bàn TP được phép tham gia. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 DN hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip với hơn 5.000 kỹ sư và đang có xu hướng gia tăng. Số lượng kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Tại Đà Nẵng, Trung tâm vi mạch được thành lập vào cuối năm 2014 đã góp phần tích cực cho sự phát triển lĩnh vực này tại TP. Thiết kế, sản xuất vi mạch là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2030. | Tấn Việt Pháp luật TPHCM
|