Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả, kinh tế - xã hội được phục hồi, nhiều chỉ số quan trọng đã tăng trưởng đáng kể.
Đó là đánh giá của các Ủy ban của Quốc hội nêu tại báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Báo cáo vừa được Tổng thư ký Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hỗ trợ đáng kể người dân, doanh nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình đến nay đạt hơn 92,8 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 31% tổng quy mô nguồn lực của chương trình.
Đến ngày 30/6/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình đạt 19.090 tỷ đồng.
Trong đó, Ngân hàng CSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng, cho trên 3.300 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 1.940 tỷ đồng.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả. Ảnh: Lương Bằng. |
Giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã thực hiện khoảng 3.679,3 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất khoảng 500 tỷ đồng đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình;
Chính phủ đã miễn, giảm các loại thuế, phí là 60.201 tỷ đồng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 114.523 tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo đánh giá: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, khá bao quát và toàn diện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án thí điểm việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và đang tiếp tục hoàn thiện Đề án.
Chính phủ đã hoàn thành việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; đang triển khai xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công mới và dự kiến triển khai trên toàn quốc từ năm 2024, giúp chuyển đổi số toàn diện trong công tác đầu tư công trên toàn quốc. Đã thực hiện Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong phân bổ vốn đầu tư công dự phòng ngân sách trung ương.
Xử nghiêm các hành vi trục lợi chính sách
Về triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách, báo cáo đánh giá: Bộ LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; chủ động tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa nhân văn của chính sách, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, các thủ tục để thụ hưởng chính sách. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, giai đoạn hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 còn tồn tại một số hạn chế.
Liên quan các chính sách tiền tệ, báo cáo cho rằng: Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh thị trường nhiều áp lực, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng được triển khai, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của tổ chức và cá nhân, góp phần ổn định thị trường.