Tháng 9: Nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, thịt heo, thịt gà... tăng giá Theo Sở Tài chính TP.HCM, riêng mặt hàng gạo do thời gian qua Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ đã làm giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo giá gạo trong nước bị ảnh hưởng. Thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,56% so tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 2,44% chủ yếu do giá lương thực chế biến, giá bột mì và ngũ cốc khác đều tăng, đáng chú ý mặt hàng gạo giá tăng đến 3,73%. Theo Sở Tài chính, giá gạo trong nước tiếp tục tăng do thời gian qua Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ đã làm giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo giá gạo trong nước tăng. So với cùng kỳ năm 2022, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 7,09% chủ yếu một số mặt hàng như gạo các loại tăng 3,91%-12,68%, bột mì đóng gói tăng 3,01%-6,62%, mì ăn liền, phở ăn liền tăng 0,78%-3,93%. Những mặt hàng trên tăng giá do nguyên liệu và bao bì tăng. Chi phí chăn nuôi, vận chuyển tăng khiến nhiều người chăn nuôi giảm quy mô, nguồn cung giảm nên giá thịt gia cầm tăng. ẢNH: TÚ UYÊN | Trong tháng 9, chỉ số giá thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước chủ yếu do nước mắm, nước chấm, bánh, kẹo, cà phê, thịt chế biến, thịt quay, giò, chả thịt hộp giá tăng từ 0,09%- 1,09%. Các mặt hàng này tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng. Đối với thịt gia cầm, trứng các loại giá tăng lần lượt 0,16%, 0,23% do chi phí chăn nuôi, vận chuyển tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn nên thu hẹp quy mô, dẫn đến nguồn cung giảm. Trong khi đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân nên giá thủy sản tươi sống, thủy sản chế biến tăng lần lượt 0,26% và 0,36%. Tương tự, mưa nhiều đã ảnh hưởng đến năng suất một số loại rau, quả nên giá rau quả tươi và chế biến tăng giá. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá thực phẩm tháng 9 năm nay tăng 3,32%. Bên cạnh đó, Sở Tài chính TP.HCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu (LTTP) bắt đầu từ 1-4 đến nay, Sở Tài chính đã tiến hành ba lần điều chỉnh giá. Một lần điều chỉnh giá đối với thịt gia cầm, tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương; một lần điều chỉnh giá mặt hàng thịt heo; một lần điều chỉnh giá gạo, đường ăn. Theo đó, gạo trắng thường 5% tấm là 16.000 đồng /kg (không bao bì) và 17.000 đồng /kg (bao bì PA/PE, túi 5kg, 10kg, 25kg). Gạo Jasmine 17.000 đồng /kg (không bao bì) và 19.000 đồng /kg (bao bì PA/PE, túi 5kg). Qua so sánh với giá bình quân của các chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, các chợ trong mạng lưới báo giá của Sở…cho thấy giá bán mặt hàng LTTP thiết yếu của doanh nghiệp tham gia bình ổn đều đảm bảo tiêu chí của chương trình. Cụ thể, giá gạo thấp hơn giá thị trường 6%, đường ăn thấp hơn 7,6%,thịt heo thấp hơn 6,6-11,9%, trứng gia cầm thấp hơn 6,5-7,5%... | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|