Quản lý tài chính cá nhân là quá trình dài hơi, không có phép màu để giàu có trong ngắn hạn
Tài chính cá nhân là 1 quá trình tích lũy tài sản dài hơi: hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Khi bàn về kế hoạch, hoạch định, phương pháp thực hiện tài chính cá nhân, thì đó không phải là một phép màu nào đó để có thể giàu có, hoặc có nhiều của cải trong một sớm một chiều.
Đó là nhận định của ông Phạm Hải Hoàng, CFA Charter Holder, Trưởng phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) tại hội thảo Vietstock Live tháng 10 với chủ đề: “Lập kế hoạch tài chính cá nhân và phân bổ tài sản”, diễn ra sáng 19/10.
Chương trình VietstockLive chủ đề Lập kế hoạch tài chính cá nhân và phân bổ tài sản diễn ra sáng 19/10/2023
|
Lợi nhuận lớn sẽ đi kèm với rủi ro cao
Theo vị chuyên gia từ NHSV, rất nhiều bạn trẻ có mong muốn làm giàu nhanh chóng, thậm chí có những người kỳ vọng chỉ trong vòng 1-2 năm đã phải có nhà có xe rồi. Mong muốn này cũng không phải là không chính đáng, nhưng vấn đề ở chỗ nguyên tắc lợi nhuận cao thì rủi ro cũng rất cao. Thực tế rất nhiều người đã tham gia vào nhiều loại hình đầu tư với rủi ro rất cao như giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, thậm chí nhiều người không có tiền, vay 100% để đi đầu tư vào các tài sản rủi ro này.
Đa phần, khi mong muốn làm giàu nhanh, họ chỉ nhìn vào lợi nhuận kỳ vọng chứ không nhìn vào rủi ro, chưa tính toán xem nếu rủi ro xảy ra thì phải làm sao. Do khả năng quản trị rủi ro kém nên dù có lãi được trong một vài thương vụ thì sớm muộn rủi ro cũng xảy ra, và lúc đó tài sản cũng lại mất hết.
“Rất ít người đầu tư rủi ro cao kiểu như vậy mà có thể thành công được, đa phần cũng chỉ báo nợ với gia đình thôi. Nói vậy để chúng ta cố gắng tránh một sai lầm rất hay xảy ra với tuổi trẻ, mong muốn làm giàu nhanh chóng. Mong muốn này thì không sai, nhưng thực sự là không mấy ai có thể làm được cả”, ông Hoàng đúc kết.
Các bước để hoạch định tài chính cá nhân
Theo ông Hoàng, có 3 bước để hoạch định tài chính cá nhân. Trước hết, chúng ta phải xác định được tổng thu nhập của chúng ta trong 1 năm là bao nhiêu. Chẳng hạn, gia đình rất cơ bản sẽ có 2 vợ chồng và 1 con, đều đi làm công ăn lương cố định, lương vợ bao nhiêu, lương chồng bao nhiêu, thưởng cuối năm khoảng bao nhiêu…
Thứ hai, xác định được mục tiêu tài chính hàng năm, hàng tháng là gì. Ví dụ, mỗi tháng gia đình kỳ vọng tiết kiệm thêm được 10 triệu, cộng thêm thưởng, mỗi năm tiết kiệm được 150 triệu. Nói thêm rằng, mục tiêu chúng ta xác định cũng phải phù hợp với chi phí mà gia đình hàng tháng.
Bước cuối cùng thì chúng ta thực hiện việc chi tiêu hàng ngày sao cho phù hợp với mục tiêu đã đặt ra. Như tổng thu nhập 2 vợ chồng 40 triệu, và mục tiêu là muốn tiết kiệm 15 triệu/tháng thì chúng ta phải tìm cách gói gém các chi tiêu 2 vợ chồng 1 con trong khoảng ngân sách 25 triệu sao cho hợp lý.
Về cách hoạch định này, hiện có rất nhiều hướng dẫn cho rằng chúng ta phải phân bổ phần thu nhập thành các phần, ví dụ 5 - 3 - 2: 5 phần vào chi tiêu thiết yếu, 3 phần hiếu hỉ, 2 phần tiết kiệm.
Tuy nhiên theo ông Hoàng, việc phân bổ này cũng không thực sự là cần thiết. Cuộc sống vốn là sự bất định, ngoài những thứ thiết yếu như ăn uống hàng ngày, chúng ta không thể biết còn thêm những gì xảy ra buộc phải chi tiêu đến tiền hay không. Nên cái gốc ở đây là chúng ta cố gắng gói gém các chi tiêu trong phạm vi 25 triệu sao cho hợp lý.
Theo vị chuyên gia, có 4 điểm quan trọng quá trình lập kế hoạch tài chính cá nhân của một người, hoặc một gia đình. Tài chính cá nhân là nói về thu nhập và chi phí.
Trước hết nói về yếu tố thu nhập. Với những người có thu nhập mang tính cố định, thì việc hoạch định tài chính nó sẽ đơn giản hơn nhiều. Còn với nhiều người mà thu nhập không cố định, chúng ta vẫn phải xác định được tổng thu nhập của gia đình trong 1 năm là khoảng bao nhiêu, từ đó xác định được bao nhiêu để tiết kiệm - đầu tư, bao nhiêu thì để chi tiêu trung bình 1 tháng.
Ngoài ra, trong mọi chi tiêu của bạn hàng ngày, ý thức “phải tiết kiệm” mới là cái triết lý cuối cùng và quan trọng nhất giúp bạn có thể chi tiêu hợp lý trong trong kế hoạch chi tiêu đã đặt ra. Ý thức tiết kiệm sẽ giúp bạn tránh vung tay quá trán vào những thứ chưa thực sự.
Cũng theo ông Hoàng, việc lập kế hoạch tài chính cá nhân nên thực hiện càng sớm càng tốt. Cá nhân ngay khi mới ra trường, đi làm đã nên nghĩ đến hoạch định tài chính cá nhân.
Yến Chi
FILI
|