Cho vay margin tăng, lợi nhuận công ty chứng khoán khả quan Dư nợ cho vay margin tăng cao trong quí 3-2023 xuất phát từ tâm lý tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong bối cảnh lãi suất giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với kênh tiết kiệm ngân hàng.
HSC đã trở lại danh sách các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỉ đồng. Ảnh: T.L |
Dư nợ margin tăng trong quí 3
Thống kê cho thấy dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán (CTCK) vào thời điểm cuối quí 3-2023 ước tính lên đến 165.000 tỉ đồng, tăng 15.000 tỉ đồng so với cuối quí 2-2023 và tăng 43.000 tỉ đồng so với đầu năm nay. So với mức đỉnh hồi cuối quí 1-2022 thì dư nợ cho vay margin cuối quí 3-2023 thấp hơn khoảng 35.000 tỉ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một năm, thị trường ghi nhận trở lại sáu CTCK có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỉ đồng. VNDirect và HSC đã trở lại danh sách, trong khi Mirae Asset, SSI, TCBS và VPS tiếp tục duy trì mức dư nợ cho vay trên 10.000 tỉ đồng.
Nhìn chung, đa phần các CTCK đều ghi nhận dư nợ cho vay margin vào cuối quí 3 tăng so với thời điểm cuối quí 2. Riêng tại tốp 10 CTCK có dư nợ cho vay margin lớn nhất thị trường, ngoại trừ VPS và KIS ghi nhận sụt giảm nhẹ, toàn bộ các tên tuổi còn lại đều đã mở rộng quy mô hoạt động cho vay. Trong đó, SSI, TCBS, HSC, VNDirect và MBS ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên ngàn tỉ đồng. TCBS có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2.600 tỉ đồng, lên 12.827 tỉ đồng. Hai công ty dẫn đầu về dư nợ là Mirae Asset và SSI tăng lần lượt 282 tỉ đồng và 1.830 tỉ đồng.
Kỳ vọng tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt mức 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10-30% so với mức 140.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023. |
Dư nợ cho vay margin tăng cao trong quí 3-2023 xuất phát từ tâm lý tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong bối cảnh lãi suất giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với kênh tiết kiệm ngân hàng. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 19.000 tỉ đồng giá trị cổ phiếu trong ba quí đầu năm nay, trái ngược mức bán ròng 16.000 tỉ đồng trong cả năm trước. Bên cạnh đó, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới cũng liên tục lập kỷ lục trong vòng một năm trở lại đây (tổng số tài khoản mở mới trong quí 3-2023 đạt 512.000 tài khoản so với mức 273.000 tài khoản trong quí 2-2023).
Nhờ diễn biến thị trường khởi sắc và dư nợ cho vay margin tăng trở lại, hầu hết các CTCK đều báo cáo mức lợi nhuận khả quan trong quí 3. Cập nhật đến sáng ngày 21-10-2023, 78 CTCK đã công bố kết quả kinh doanh quí 3 cũng như chín tháng đầu năm 2023. Ngôi vị quán quân lợi nhuận quí 3-2023 thuộc về TCBS với mức lãi trước thuế 1.148 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng chín tháng, TCBS thu về 2.148 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 22%. SSI ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 3 năm nay gấp 2,1 lần con số cùng kỳ năm trước, đạt 880 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, SSI báo lãi lớn nhất toàn ngành với 2.204 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21%. VNDirect là cái tên còn lại đạt mức lãi trước thuế ngàn tỉ đồng sau chín tháng đầu năm 2023 với 1.490 tỉ đồng. Riêng trong quí 3, VNDirect lãi trước thuế 788 tỉ đồng, tương ứng tăng 579% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại nhóm dẫn đầu, CTCK VPS ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 3 nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, lên 332 tỉ đồng. Tích cực hơn, lợi nhuận trước thuế Công ty Chứng khoán VPBank đạt 301 tỉ đồng trong quí 3, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. HSC cũng báo lãi quí 3 tăng khoảng 29% lên 266 tỉ đồng.
Nhiều cơ hội phía trước
Sau một năm 2022 đầy biến động với thị trường chứng khoán (TTCK), hầu hết các nhà đầu tư đều e ngại với cổ phiếu các CTCK. Hiện tại, định giá của ngành này đang ở mức P/B (giá thị trường/giá ghi sổ của cổ phiếu) là 1,6 lần, thấp hơn so với mức trung bình trong ba năm gần đây. Với kỳ vọng TTCK sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng, trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành chứng khoán, VNDirect cho rằng các CTCK sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
Luận điểm đầu tư đầu tiên là hoạt động cho vay margin được cải thiện. Theo quan sát của VNDirect, biên độ chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí vốn của toàn ngành thường rơi vào khoảng 4-7%, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Ngoài ra cũng có mối quan hệ trái chiều giữa lợi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, tức là môi trường lãi suất thấp hơn có thể hỗ trợ các CTCK có lợi suất tốt hơn. Trong quí 2-2023, lợi suất cho vay toàn ngành đã tăng lên mức 5,6% từ mức 4,2% trong quí 1-2023. Trong sáu tháng cuối năm 2023, kỳ vọng lợi suất cho vay của ngành có thể tiếp tục được cải thiện do lãi suất đầu vào tiếp tục giảm.
Về margin, VNDirect dự báo tổng giá trị giao dịch tài sản tài chính tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ tăng với tốc độ 16% lên khoảng 910.000 tỉ đồng từ mức 784.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023 (dữ liệu được thu thập từ tốp 30 công ty môi giới về quy mô tài sản). Kết hợp với tỷ lệ cho vay ký quỹ ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong ba năm gần đây thường rơi vào khoảng 17-20%, kỳ vọng tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt mức 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10-30% so với mức 140.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023. Với tổng vốn chủ sở hữu của 30 công ty đạt khoảng 183.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023, con số này cho thấy tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu toàn ngành sẽ rơi vào khoảng 0,85-1 lần.
Ngoài margin, một luận điểm đầu tư đáng chú ý khác đối với ngành chứng khoán đến từ việc Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, được hưởng lợi từ TTCK với mức độ thâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng cao và cam kết của Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực này. Các công ty môi giới có lợi thế về bán lẻ và mức độ số hóa cao được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ những bối cảnh trên bao gồm: SSI, VND, MBS.
Linh Trang TBKTSG
|