Chờ sự trở lại của cổ phiếu vận tải biển Trong bối cảnh thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh, vẫn có một số ít nhóm ngành, doanh nghiệp thể hiện xu hướng tích cực khi ngược dòng thị trường hoặc chỉ ở mức củng cố chứ không giảm sâu theo thị trường chung. Hai trong số đó là nhóm cổ phiếu vận tải biển và cảng biển.
Diễn biến tích cực
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 10-2023, chỉ số VN-Index tiếp tục diễn biến tiêu cực, khi phiên ngày 3-10 có lúc giảm gần 40 điểm. Chỉ số này có lúc giảm về tận vùng 1.106 điểm, mức thấp nhất trong hơn ba tháng qua, trong bối cảnh tỷ giá vẫn chịu áp lực trong khi nhà điều hành đã liên tục hút bớt thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân trong nước bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh cũng bán ròng liên tục.
Sau khi bán ròng gần 4.500 tỉ đồng trong tháng 9 tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.100 tỉ đồng chỉ trong vòng sáu phiên tính từ đầu tháng 10 đến phiên giao dịch đầu tuần này (9-10). Nỗi lo rủi ro tỷ giá dường như vẫn đang đè nặng lên các nhà đầu tư nước ngoài, khi đô la Mỹ vẫn leo thang trên thị trường quốc tế và có thể sẽ còn tiếp tục đi lên với chiến sự bất ngờ nổ ra tại dải Gaza mới đây.
Trong bối cảnh này, vẫn có một số ít nhóm ngành, doanh nghiệp thể hiện xu hướng tích cực khi ngược dòng thị trường hoặc chỉ ở mức củng cố chứ không giảm sâu theo thị trường chung. Hai trong số đó là nhóm cổ phiếu vận tải biển và cảng biển.
Đơn cử như cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam chỉ trong vòng năm phiên từ ngày 4-10 đến sáng ngày 10-10 đang ghi nhận mức tăng hơn 13%. Còn nếu tính từ cuối tháng 8 đến nay thì đã tăng gần 25%, cùng với thanh khoản gia tăng, cho thấy dòng tiền đang được thu hút vào đây. Tương tự, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng gần 14% trong cùng khoảng thời gian và tăng hơn 42% tính từ cuối tháng 8. Trong khi đó, cổ phiếu VTO của Vận tải Xăng dầu Vitaco cũng cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực.
Ở nhóm cảng biển, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept tăng gần 10% trong khoảng thời gian từ ngày 4-10 đến sáng ngày 10-10 và đạt mức tăng hơn 35% tính từ những ngày cuối tháng 8. Cổ phiếu DVP của CTCP Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ cũng đang giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay. Các cổ phiếu cảng biển còn lại đang trong giai đoạn củng cố, ngoại trừ cổ phiếu VSC của CTCP Container Việt Nam đang nỗ lực bật lên trở lại.
Chờ sự trở lại
Những dự báo khả quan hơn về thương mại quốc tế và giá cước vận tải biển bất ngờ tăng mạnh trở lại đang là chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu nhóm vận tải biển đi lên. Vincent Clerc, Giám đốc điều hành của hãng vận tải Maersk mới đây đã nhận định rằng thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, chủ yếu đến từ sự hồi phục của lượng tiêu thụ. Trong đó, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu là động lực chính dẫn đến sự gia tăng nhu cầu.
Các công ty chứng khoán dự báo hoạt động của nhóm này sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2024. Vì vậy, có lẽ dòng tiền cũng đã bắt đầu chú ý đến nhóm này để đón đầu kết quả tăng trưởng tích cực trong tương lai. |
Tại Việt Nam, sau giai đoạn bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu hụt đơn hàng quốc tế do nhu cầu của các quốc gia đối tác suy yếu, hoạt động thương mại cũng đang có dấu hiệu hồi phục trở lại trong những tháng gần đây. Giới phân tích cho rằng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ tạo đáy trong nửa cuối năm 2023 và hồi phục dần, giúp sản lượng sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường biển tăng trở lại.
Đáng chú ý là chỉ số chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển cũng đi lên mạnh mẽ trong những tháng gần đây, càng minh chứng cho những dự báo trên. Cụ thể, chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) gần đây đã vượt mốc 1.900, đánh dấu mức tăng đến 81% tính từ cuối tháng 8 đến nay. Chỉ số này cũng đã có năm tuần đi lên liên tiếp và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Cần biết rằng trong năm 2021, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành vận tải biển vẫn ghi nhận lãi lớn nhờ hưởng lợi từ giá cước tăng liên tục. Khi đó, chỉ số BDI đã leo lên mức cao nhất ở 5.650 điểm vào tháng 10-2021, giúp lợi nhuận của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành như VOS, HAH ghi nhận một năm bội thu và giá cổ phiếu tăng vọt kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2022.
Đối với nhóm cổ phiếu cảng biển, yếu tố hỗ trợ còn đến từ việc Cục Hàng hải Việt Nam gần đây công bố dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Theo đó, dự thảo này đề xuất tăng 10% giá dịch vụ xếp dỡ container từ ngày 1-1-2024 tại một số khu vực, bao gồm Hải Phòng, TPHCM và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng khung giá bốc dỡ container xuất, nhập khẩu, tăng 10% đối với khu vực I, do giá tại khu vực này hiện thấp nhất cả nước. Ngoài ra, dự thảo đề xuất các bến có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT có thể tăng 10% phí dịch vụ xếp dỡ. Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh tăng 10% khung giá tại nhóm cảng biển nước sâu.
Trong khi đó, nhóm vận tải biển, cảng biển hay logistics cũng được xem là nhóm ngành hưởng lợi từ mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mới đây được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, với kỳ vọng không chỉ thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ mà hoạt động thương mại giữa hai nước sẽ phát triển hơn nữa, thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 13,6% trong năm 2022. Trong chín tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu đến 60,7 tỉ đô la sang Mỹ.
Dù kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay của nhóm doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển vẫn đang chứng kiến sự suy giảm theo xu hướng chung, nhưng trước tình hình này, các công ty chứng khoán dự báo hoạt động của nhóm này sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2024. Vì vậy, có lẽ dòng tiền cũng đã bắt đầu chú ý đến nhóm này để đón đầu kết quả tăng trưởng tích cực trong tương lai.
Triêu Dương TBKTSG
|