Thứ Năm, 05/10/2023 14:02

Ngân hàng chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu!

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã liên tục lên kế hoạch chia cổ tức bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu nhằm mang lại lợi ích thực tế cho cổ đông cũng như gia tăng “bộ đệm vốn” trong dài hạn.

Nhà điều hành đã không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với những ngân hàng được xếp hạng cao là điều kiện để các ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ảnh: LÊ VŨ

Chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm

Khác với ba năm trước, khi dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì ngay từ đầu năm 2023, nhà điều hành đã không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với những ngân hàng được xếp hạng cao. Đây là điều kiện để các ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tuy vậy, cho tới gần đây, mới chỉ có sáu ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt, các đơn vị còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu. Những ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt bao gồm HDBank, VIB, ACB, MB, TPBank và VPBank.

HDBank đã chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Những cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng là 30-5-2023 đã nhận được cổ tức với giá trị 1.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2022 VIB thu về hơn 10.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, qua đó mạnh tay chia cổ tức 35%, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt (chia thành hai đợt 10% và 5%). Với 2,1 tỉ cổ phiếu phổ thông lưu hành, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà VIB đã bỏ ra trong hai đợt là 3.150 tỉ đồng.

Trong khi đó, ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022. Với kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng này đề xuất sẽ sử dụng gần 8.444 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 700 đồng). Như vậy, sau tám năm, cổ đông ACB mới được nhận cổ tức bằng tiền mặt.

MB và TPBank cũng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 5% và 25%. Với gần 1,582 tỉ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank đã chi khoảng 3.955 tỉ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trong khi đó, MB cũng dùng hơn 2.266 tỉ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt.

Với VPBank, ngân hàng này dự kiến sẽ chi gần 8.000 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Theo kế hoạch, muộn nhất là quí 3-2023, VPBank sẽ tiến hành việc trả cổ tức này cho cổ đông.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng “bộ đệm vốn”

Eximbank đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 25-9-2023. Theo đó, Eximbank dự kiến sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỉ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành của Eximbank sẽ lên 17.569 tỉ đồng. Trước đó, đầu năm 2023, Eximbank cũng đã phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, giúp tăng vốn điều lệ lên 14.814 tỉ đồng.

Cho tới gần đây, Các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt bao gồm HDBank, VIB, ACB, MB, TPBank và VPBank. Các ngân hàng còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu.

Một ngân hàng khác là OCB đã công bố kế hoạch thực hiện phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 50%. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, từ đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỉ đồng lên 20.548 tỉ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành là 20-9-2023.

VietinBank (mã CTG) cũng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2020, dự kiến thực hiện trong quí 3 và 4-2023. Tỷ lệ phát hành dự kiến tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành. Số cổ phiếu này tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 5.643 tỉ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 48.057 tỉ đồng lên 53.700 tỉ đồng.

Ngoài số 564,3 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành nêu trên, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Theo đó, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỉ đồng. Nếu hoàn thành tất cả kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023, VietinBank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2 hệ thống.

Theo thống kê, trong năm 2023, ước tính sẽ có hơn 4 tỉ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. Diễn biến trên được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải gia tăng “bộ đệm vốn” nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II, thậm chí là ở các chuẩn cao hơn nữa. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối năm 2022, hệ số CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng gốc nhà nước mới ở mức 9,04%.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân lại có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so với nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, đạt 12,29%. Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, hệ số CAR đạt 18,61% (tương đồng mức bình quân trong khu vực).

Nhìn chung, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có sự cải thiện trong vài năm gần đây, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của toàn ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngành ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan là 19,6%; Malaysia là 18,5%).

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng đã áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III trong khi các ngân hàng của Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các ngân hàng. Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, mới chỉ có một số ngân hàng hoàn thành Basel III như Lienvietpostbank, VPBank, ACB, TPBank…

Đăng Linh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   VN-Index tiếp cận lại vùng hỗ trợ trung hạn quanh 1.150 điểm! – KTSG (05/10/2023)

>   Thu hút vốn bền vững từ chuẩn hóa thông tin chứng khoán (02/10/2023)

>   Trái phiếu doanh nghiệp: Lạc quan cùng nguy cơ đan xen (01/10/2023)

>   Thị trường trái phiếu xanh không thể phát triển méo mó (01/10/2023)

>   Mở lối dẫn vốn vào thị trường trái phiếu (29/09/2023)

>   VN-Index sẽ tiếp tục ‘rung lắc’ hay hồi phục? (28/09/2023)

>   WFE kết nạp Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là thành viên chính thức (27/09/2023)

>   Dòng tiền tái cơ cấu mạnh trên các thị trường vốn (25/09/2023)

>   HOSE bác bỏ tin đồn lãnh đạo nộp đơn nghỉ việc (23/09/2023)

>   Tiếp tục điều chỉnh – chứng khoán đang chịu những áp lực nào? (22/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật