VN-Index hồi phục trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ trung hạn! Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thêm một tuần (từ ngày 2 đến 6-10-2023) điều chỉnh mạnh. Áp lực bán khiến chỉ số VN-Index liên tục đánh mất các ngưỡng hỗ trợ. Lực cầu trở lại vào phiên cuối tuần giúp chỉ số hồi phục đôi chút, tuy nhiên tổng kết tuần, VN-Index lùi về mức 1.128 điểm, tương ứng giảm 25,6 điểm (2,23%) so với tuần trước đó.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng khiến thanh khoản cũng sụt giảm mạnh với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm hơn 20%. Nhóm bất động sản có diễn biến kém tích cực khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,9%)…
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thêm một tuần (từ ngày 2 đến 6-10-2023) điều chỉnh mạnh. Ảnh: TL |
Trong bối cảnh thị trường chung chưa thể lấy lại nhịp cân bằng, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi khối này quay đầu bán ròng thay vì tận dụng đà giảm để mua gom cổ phiếu. Lũy kế qua năm phiên giao dịch, khối ngoại bán ròng tổng cộng 365 tỉ đồng.
Về các tin tức khách quan, TTCK Mỹ có một tuần hồi phục trở lại khi chỉ số S&P 500 kết thúc tuần tăng 0,48%, phá vỡ chuỗi giảm điểm kéo dài bốn tuần liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận một tuần tích cực khi tăng 1,6%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones lại giảm 0,3%. Thông tin kinh tế đáng chú ý nhất trong tuần qua là báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ được công bố trong ngày 6-10.
Cụ thể, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 336.000 trong tháng 9, nhiều hơn ước tính là 170.000 việc làm của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 ở mức 3,8%, cao hơn so với dự báo là 3,7% trong khi tiền lương tăng với tốc độ khiêm tốn với thu nhập bình quân mỗi giờ tăng 0,2% trong tháng và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ góc độ ngành, lĩnh vực giải trí và khách sạn dẫn đầu với 96.000 việc làm mới. Các ngành khác tăng bao gồm việc làm cơ quan nhà nước (73.000), chăm sóc sức khỏe (41.000) và dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (29.000).
Sau báo cáo việc làm tháng 9, giới đầu tư đang lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát, thậm chí có thể tính đến kịch bản tăng lãi suất thêm một lần nữa trong cuộc họp tháng 11 tới. Tuy vậy, theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường vẫn đang đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất với xác suất lên tới 73%.
Về các tin tức vĩ mô trong nước, kể từ khi mở lại kênh phát hành tín phiếu ngày 21-9 vừa qua, đến ngày 9-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 13 phiên phát hành tín phiếu với tổng giá trị 145.700 tỉ đồng, tất cả đều có kỳ hạn 28 ngày. Sau động thái trên của NHNN, tỷ giá vẫn neo ở mức cao nhưng đà tăng đã cho dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, chốt phiên ngày 29-9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.089 đồng/đô la, tăng 29 đồng so với cuối tuần trước đó. Tới ngày 5-10, tỷ giá trung tâm ở mức 24.084 đồng/đô, giảm nhẹ so với cuối tháng 9. Tại thời điểm cuối tháng 9, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng hơn 3% so với đầu năm.
Nhiều khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Theo đó, nhiều dự báo cho biết chỉ số đô la Mỹ (USD Index) sẽ tăng tiếp lên vùng 110 điểm trong quí 1-2024 trước khi hạ nhiệt từ quí 2-2024. Trong bối cảnh đó, áp lực lên tỷ giá có thể sẽ lớn hơn, đặc biệt trong quí cuối năm.
Mặc dù vậy, với kỳ vọng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tiếp tục cải thiện, nguồn kiều hối về cuối năm nhiều cũng như cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, các chuyên gia nhận định NHNN có thể vẫn giữ được tỷ giá trong mức cho phép, đảm bảo sự cân bằng và phù hợp giữa các mục tiêu tại từng thời gian nhất định.
Về xu hướng thị trường, sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ trung hạn (đường MA200) tại 1.107 điểm, VN-Index đã có phiên nến rút chân và hồi phục trở lại. Dịch vụ tiêu dùng, chứng khoán, công nghệ thông tin, nguyên vật liệu… là những nhóm ngành đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của thị trường trong phiên cuối tuần trước.
Bước sang tuần giao dịch mới, VN-Index được dự báo có thể gặp áp lực ngắn hạn tại vùng cản quanh 1.140-1.150 điểm. Những biến số vĩ mô xoay quanh động thái hút ròng tiền qua kênh phát hành tín phiếu của NHNN, diễn biến tỷ giá cũng như các chính sách về hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại theo Thông tư 06 sẽ là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 đã cận kề.
Thanh Thủy TBKTSG
|