Thứ Sáu, 27/10/2023 07:02

Lợi nhuận quí 3 liệu đã chạm đáy?

Tính đến đầu tuần này (23-10), đã có gần 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX công bố báo cáo tài chính quí 3-2023. Đúng như dự báo, bức tranh kết quả kinh doanh quí 3 tiếp tục ảm đạm khi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp vẫn trên đà giảm sút.

Trong quí 3-2023, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch báo lỗ sau thuế gần 124 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 199 tỉ đồng.

Sơ bộ bức tranh lợi nhuận

Theo đó, có 37 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quí 3. Trong đó, Công ty cổ phần (CTCP) Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch báo lỗ sau thuế gần 124 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 199 tỉ đồng. Đây là kết quả đã được doanh nghiệp dự báo trước, do phải đại tu Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 kéo dài 44 ngày trong tháng 9 và tháng 10, góp phần khiến doanh thu quí 3 giảm mạnh 62% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý là trong số các doanh nghiệp còn lại báo có lãi sau thuế, xấp xỉ 120 doanh nghiệp ghi nhận lãi sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 40 doanh nghiệp giảm từ 50% trở lên. Một số doanh nghiệp có mức lãi giảm lớn như CTCP Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) giảm 98%, với lợi nhuận lao dốc từ hơn 47 tỉ đồng trong quí 3-2022 xuống chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng, đánh dấu quí lãi thấp nhất trong 14 năm qua; CTCP Địa ốc 11 (HNX: D11) giảm 97% khi lãi còn chưa đến 300 triệu đồng; CTCP Hải Phát (HOSE: HPX) giảm 96% xuống còn 3,7 tỉ đồng; CTCP Địa ốc First Real (HOSE: FIR) giảm 95% xuống còn 1,5 tỉ đồng; CTCP Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) giảm 89% xuống còn gần 10,5 tỉ đồng…

Nếu so với quí 2-2023, cũng có đến 139 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm, cho thấy lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chưa hẳn đã chạm đáy trong quí 2 như đánh giá trước đó. Trong số này có đến 52 doanh nghiệp chứng kiến mức sụt giảm từ 50% trở lên. Có thể kể đến như CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (HOSE: ABS) giảm 98% từ mức lãi 53 tỉ đồng trong quí 2-2023 xuống còn gần 1,2 tỉ đồng trong quí 3; HVT cũng giảm 95% so với quí trước; HVT giảm 93%; D11 giảm 92%…

Ở chiều tăng trưởng, có 60 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận từ 50% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm chứng khoán ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, như nhiều dự báo đã chỉ ra trước đó. Đơn cử như Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDirect (HOSE: VND) lãi 636 tỉ đồng, tăng 1.402% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ lãi lớn ở mảng tự doanh. Các CTCK còn lại như FTS, EVS, BSI, SHS, CTS, VDS, VIX, SSI,… cũng đều báo lãi lớn và tăng trưởng mạnh mẽ.

Như vậy, sau khi chạm đáy vào quí 3 năm ngoái, tổng lợi nhuận của các CTCK trong cả ba quí đầu năm nay đều ghi nhận tăng trưởng so với quí liền trước. Theo thống kê, tổng lợi nhuận của các CTCK trong quí 3 vừa qua ước đạt gần 7.000 tỉ đồng, tăng 23% so với quí 2 liền trước và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng sáu quí kể từ quí 1-2022 – thời điểm thị trường chứng khoán đang trên đỉnh 1.500 điểm với giao dịch rất sôi động.

Đã chạm đáy?

Ngược lại, nhóm ngân hàng lại thể hiện “bộ mặt” bi quan hơn, dù vẫn thuộc nhóm lãi lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết nhưng tốc độ tăng trưởng thì suy yếu. Như VPBank lãi sau thuế 2.424 tỉ đồng trong quí 3, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước thì giảm 35% và so với quí trước thì giảm 21%. Tương tự, TPBank lãi sau thuế 1.263 tỉ đồng, nhưng giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 2% so quí trước. LPBank lãi 993 tỉ đồng, dù có tăng trưởng so cùng kỳ năm trước nhưng ở mức rất thấp là 0,6%, còn so với quí trước tăng mạnh 41%. Các ngân hàng như Bắc Á, PGBank cũng công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Điều mà giới đầu tư quan tâm nhất là liệu kết quả lợi nhuận quí 3 này đã chạm đáy hay chưa? Hay vẫn còn có thể xấu hơn nữa, trước áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đi lên, chuỗi cung ứng toàn cầu nguy cơ đứt gãy tiếp…?

Có vẻ như các ngân hàng đã bắt đầu ngấm đòn nợ xấu, cộng thêm chi phí vốn ở mức cao do lượng vốn huy động ở vùng lãi suất cao vẫn còn mắc kẹt lại, trong khi tín dụng đầu ra khó khăn hơn dẫn đến biên độ lãi bị thu hẹp. Các hoạt động bán bảo hiểm liên kết hay trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ cũng ảnh hưởng tới nguồn thu dịch vụ của không ít ngân hàng, do đó lợi nhuận giảm tốc là điều tất yếu.

Kết quả lợi nhuận quí 3 của hầu hết doanh nghiệp ảm đạm, ngoại trừ một số nhóm ngành ngược dòng như chứng khoán nói trên, thông tin này rõ ràng không thể hỗ trợ giá cổ phiếu. Thực tế thị trường chung đã điều chỉnh giảm mạnh từ giữa tháng 10 đến nay, với chỉ số VN-Index rớt từ vùng trên 1.150 điểm và có lúc xuống tận vùng 1.070 điểm vào cuối tuần trước, dù sau đó có bật trở lại khi chạm vùng hỗ trợ kỹ thuật này.

Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư quan tâm nhất là liệu kết quả lợi nhuận quí 3 này đã chạm đáy hay chưa? Hay vẫn còn có thể xấu hơn nữa? Với áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại khi giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu đang tăng trở lại, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đi lên theo đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu nguy cơ đứt gãy tiếp sau những căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự gần đây, nỗi lo ngại hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn không phải là thiếu cơ sở.

Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói riêng và các ngân hàng trung ương khác nói chung có thể neo lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự báo trước đây, có thể khiến cầu tiêu dùng của các nền kinh tế phát triển phục hồi chậm hơn so với dự kiến, ảnh hưởng lên tốc độ phục hồi đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy về đơn đặt hàng xuất khẩu, quí 3-2023 so với quí 2-2023, có 23% số doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 42,7% số doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 34,3% số doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quí 4-2023 so với quí 3-2023, có 30,9% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu mới tăng; 44,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 24,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Ngoài câu chuyện đơn hàng đầu ra phục hồi chậm hay chi phí năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào có dấu hiệu tăng vọt trở lại, một yếu tố quan trọng khác các nhà đầu tư cần quan sát là xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Nếu lãi suất vẫn ổn định ở mức thấp thì có thể hỗ trợ nền kinh tế nói chung và hoạt động doanh nghiệp nói riêng phục hồi ổn định hơn. Ngược lại, nếu lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại trước áp lực lạm phát và tỷ giá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.

Triêu Dương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Diễn biến ‘rung lắc’ mạnh của VN-Index liệu đã kết thúc? (26/10/2023)

>   Nhà đầu tư ngoại và ‘miếng bánh’ thị trường Việt (22/10/2023)

>   Đến thời giá vàng lại nhảy nhót? (21/10/2023)

>   Nhiều động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu dầu khí (20/10/2023)

>   Thận trọng chờ kết quả kinh doanh quí 3 (19/10/2023)

>   Chờ sự trở lại của cổ phiếu vận tải biển (16/10/2023)

>   VN-Index hồi phục trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ trung hạn! (12/10/2023)

>   Huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản – những tín hiệu ‘ấm dần’! (09/10/2023)

>   Hơn 100 mã trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã lên sàn giao dịch (07/10/2023)

>   Chứng khoán tháng 10 – chờ tín hiệu phục hồi? (07/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật