Cần giải pháp vĩ mô chống đầu cơ, trục lợi tăng giá xăng dầu, gas Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ và kiến nghị Bộ Công thương sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời cử tri tỉnh Long An, Hậu Giang gửi đến sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV về việc tiếp tục kiến nghị xem xét điều chỉnh giá xăng, dầu, gas cho hợp lý. Đồng thời, sớm có giải pháp điều chỉnh vĩ mô các mặt hàng này khi nhu cầu thị trường tăng cao, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi để tăng giá. Thông tin điều hành và trích lập quỹ bình ổn luôn được công khai Về giá xăng dầu, theo quy định Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ, cho thấy việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Công tác điều hành giá được thực hiện thông qua giá cơ sở (giá tối đa) bảo đảm bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được gắn với công tác điều hành, công bố giá cơ sở đã giúp cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm với mức phù hợp không để xảy ra tình trạng đột biến về giá… Thông tin điều hành giá xăng dầu trong nước cũng như tình hình trích lập, sử dụng quỹ bình ổn cũng được công khai thường xuyên, tạo sự đồng thuận và làm cơ sở để người dân giám sát. Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đảm bảo theo sát diễn biến giá thế giới. ẢNH: TÚ UYÊN | Kiến nghị sửa Nghị định Hiện nay, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ và kiến nghị cơ quan chủ trì là Bộ Công thương trong việc sửa đổi Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 nhằm khắc phục những hạn chế về quản lý xăng dầu. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong điều hành giá xăng dầu theo quy định; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp, chính sách đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Về mặt hàng gas, theo Luật giá, gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn. Vì vậy, trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp bình ổn giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh gas trước khi định giá, điều chỉnh giá phải kê khai giá và gửi cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo Bộ Tài chính, giá gas trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, giá hợp đồng contract price (CP). Từ đầu năm đến nay, giá CP tăng, giảm liên tục nên giá gas trong nước cũng được điều chỉnh tăng, giảm tương ứng. Trong tháng 10, giá CP tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 9. Giá gas bán lẻ trong nước điều chỉnh tăng tương ứng 20.000 đồng/bình 12kg. TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|