Quyết liệt thực hiện giải ngân

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng đạt 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khi đạt 39,15%); trong đó vốn trong nước đạt 43,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 40,87%), vốn nước ngoài đạt 25,95% (so với 14,02% cùng kỳ năm 2022).

Các bộ ngành, địa phương đang phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: Đối với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cùng kỳ tháng 8 so với các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8/2023 là cao nhất, không chỉ số tương đối mà còn cả số tuyệt đối. Từ kết quả đó, chúng ta có niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. Số vốn tương đối lớn, nhưng kèm theo đó là danh mục dự án nhiều và dự án đầu tư cũng khá lớn.

Đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2023. Ảnh: Lương Bằng.

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp Chính phủ đề ra trong các nghị quyết về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như Nghị quyết 105 của Chính phủ, quan trọng hơn cả chính là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân.

"Toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023", ông Phương lạc quan.

Động lực cho tăng trưởng

Ngay từ các tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Cụ thể, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tai các bộ, ngành và địa phương; các Tổ công tác đã quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để thúc giải ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây đã gửi các bộ ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài, với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch.

Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo kế hoạch được giao và hiệu quả sử dụng vốn vay.

Các cơ quan chủ quản cần tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp không có khả năng giải ngân do vướng mắc trong thời gian dài, không thể giải quyết được, cần hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có khả năng thực hiện, giải ngân tốt hơn.

Dẫn nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ: Họ đã chứng minh rằng nếu tăng được 1% hiệu suất vốn đầu tư thì sẽ làm cho GDP tăng 0,1-0,2%.

“Trước hết phải phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Thủ tướng Chính phủ gần đây có công điện 749 ngày 18/8 thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nói rõ về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương không đảm bảo tiến độ giải ngân. Ngoài ra, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng cho nhà thầu thi công”, TS. Nguyễn Bích Lâm nêu một số giải pháp.